(ĐSPL) - Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ giảm sức nóng cũng như quy mô do việc đầu cơ suy giảm.
Đấy là những nhận định đánh giá được đưa ra tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản năm 2017 – Tác động chính sách” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và báo Đầu tư tổ chức.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được chú trọng phát triển
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được chú trọng phát triển trong năm 2017. |
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là khuynh hướng đầu tư không chỉ riêng trong năm 2016 mà sẽ còn phát triển trong năm 2017.
Yếu tố chủ yếu khiến bất động sản nghỉ dưỡng phát triển là khi đầu tư vào bất động sản này ngoài việc đảm bảo được yếu tố bảo toàn được giá trị của tài sản, nhà đầu tư còn thu được một khoản lợi tức cố định hàng năm dao động từ 8-10%, cá biệt có dự án mức lợi tức còn lên tới 12% trong khi tất cả các kênh đầu tư như: căn hộ, đất nền nhà phố, vàng, chứng khoán, USD hoặc có tỷ suất sinh lời khá thấp, hoặc chứa đựng khá nhiều rủi ro.
Ngay đến cả kênh gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là an toàn nhất, thì gần đây lãi suất tuột dốc chỉ còn từ 3-7%/năm, điều này đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại.
Dự báo chung về thị trường bất động sản năm 2017, ông Hà đánh giá sẽ tiếp tục sự ổn định của năm 2016, một số phân khúc sẽ có cơ hội phát triển mạnh như phân khúc nhà ở thương mại ở mức trung bình và thấp, nhà ở xã hội.
Đối với phân khúc nhà ở cao cấp cũng tiếp tục phát triển song sẽ có sự phân hóa loại cao cấp hẳn và cao cấp thực với loại sản phẩm khác đang gọi là cao cấp. Điều này do ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước và quá trình cơ cấu lại sản phẩm của thị trường.
Bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, bất động sản là lĩnh vực đã được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Bằng chứng là tính từ năm 1988 đến cuối tháng 10/2016 Việt Nam đã tiếp nhận 2115 dự án FDI với số lượng vốn đăng ký 290 tỷ 682 triệu USD, trong đó có 562 dự án bất động sản với vốn đăng ký 55 tỷ 973 triệu USD; khoảng 50% vốn đăng ký đã được thực hiện.
Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang dẫn đầu FDI vào thị trường địa ốc Việt Nam, trong đó Hàn Quốc là số 1 với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,62 tỷ USD, chiếm 31,9%. Nhật Bản ở vị trí thứ 2 với 1,92 tỷ USD, chiếm 10,9% và Singapore ở vị trí thứ 3 với 1,72 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư.
Năm 2016 với 66 dự án gần 1 tỷ USD vốn đăng ký, bất động sản đứng thứ 2 sau lĩnh vực chế tạo, mặc dù con số đó thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn.
Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI nói chung và FDI vào bất động sản bởi vì những năm từ 2007 đến 2010 tuy có nhiều dự án bất động sản hàng tỷ USD nhưng tỷ lệ vốn thực hiện khá thấp, hoảng 25%, một số dự án không được triển khai đã bị thu hồi giấy đăng ký đầu tư.
Theo GS Nguyễn Mại, ngoài các nguyên nhân về môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo nên lợi thế so sánh hơn các nước trong khu vực thì có hai nhân tố gắn với thị trường bất động sản.
Một là dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm sắp đến mà theo ngân hàng HSBC nhận định thì có tốc độ nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu vào năm 2012 tăng lên 33 triệu người vào năm 2020.
Hai là Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường nhất là phân khúc cao cấp vì khi họ đầu tư thì được hưởng tỷ suất sinh lời từ 7 – 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1 – 2%. Điều này sẽ thu hút lượng lớn vốn FDI vào thị trường bất đặc biệt là những dự án có vị trí tốt, thiết kế đẹp, pháp lý minh bạch và môi trường sống tốt.