Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Theo chân công binh vào vùng sạt lở đất ở Trà Leng

(DS&PL) -

Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra vụ sạt lở, PV ĐS&PL đã cùng lực lượng công binh của Lữ đoàn 270, Quân khu 5 tiếp cận hiện trường.

Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra vụ sạt lở, PV ĐS&PL đã cùng lực lượng công binh của Lữ đoàn 270, Quân khu 5 tiếp cận hiện trường.

Cung đường nguy hiểm dẫn vào điểm sạt lở

Trà Leng vốn là một xã vùng núi nằm cách xa trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Nơi đây chỉ có một con đường độc đạo men theo triền núi để đến. Hôm nay (1/11) sau 4 ngày xảy ra vụ sạt lở đất ở Trà Leng, lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 và địa phương vẫn đang nỗ lực hết sức để khắc phục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 vừa đi qua, con đường lên Trà Leng nay ngổn ngang bởi cây cối và sạt lở đất.

Trong đêm (28/10), vừa hành quân đưa các phương tiện cơ giới vào hiện trường, lực lượng công binh vừa phải dọn cây đổ gãy ngang đường. Nhiều điểm sạt lở chắn ngang còn đường B40 khiến công tác dọn dẹp phải mất nhiều giờ đồng hồ. Khi còn cách hiện trường còn khoảng 20km, đoạn đường bị chia cắt bởi bùn đất, gỗ cây lớn và sạt lở, buộc đoàn cứu nạn phải lội bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Toàn cảnh khu vực xảy ra sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng.

Cái cảm giác trên đường đi dưới chân là bùn lầy lội, một bên là vách núi, một bên là vực xuôi về suối có thể sạt lở bất cứ lúc nào, thật sự không dành cho những người yếu bóng vía. Những sẽ chẳng là gì khi chứng kiến hiện trường vụ sạt lở.

Sau nhiều giờ đi bộ, những gì trước mắt là một khung cảnh quá đau thương. Một vệt dài của vụ sạt lở đất từ trên vách núi kéo dài theo con suối xuống tận vực sâu với ngổn ngang đất đá, gỗ và các vật liệu. Giữa đống đổ nát ấy, hình ảnh lực lượng cứu nạn tại chỗ cùng người thân đang cố gắng tìm kiếm người mất tích trông lọt thỏm, sao mà nhỏ bé.

Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, đánh giá tình hình, lực lượng công binh khẩn trương sắp xếp chỗ ăn ở vì xác định sẽ bám quân đây dài ngày. Cùng đó, một lực lượng khác cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường tham gia cứu nạn cùng lực lượng địa phương tại chỗ.

Cả con đường bê-tông dẫn vào thôn 1, Trà Leng bị bẻ gãy kéo xuống suối và bị chắn ngang bởi những tảng đá khổng lồ buộc lực lượng cứu nạn phải mở con đường mới để đưa phương tiện cơ giới vào. Giữa hiện trường như bình địa với độ sâu vùi lấp trên 1 mét, công tác tìm người mất tích bị vùi lấp gặp quá nhiều khó khăn.

Sau 3 ngày tìm kiếm, cơ quan chức năng cứu được 33 người. Tuy nhiên vẫn có 8 người đã tử vong và 14 người mất tích, tính tới ngày 1/11.

Đến nay, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường đã lên đến gần 1.000 người. Hoạt động cứu hộ còn được sự trợ giúp của 4 chó nghiệp vụ, các flycam và nhiều phương tiện cơ giới như máy múc, máy ủi…

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - còn cho biết, cơ quan cứu hộ cứu nạn vừa quyết định điều động 20 ca nô để phục vụ bộ đội, công an tìm kiếm người mất tích ở xã Trà Leng trên sông bắt đầu từ sáng 1/11.

“Nhiều khả năng các nạn nhân đã bị cuốn trôi ra sông Leng và sông Tranh. Do đó, cơ quan cứu hộ, cứu nạn đã tính đến phương án tìm kiếm trên đường thủy”, ông Dũng nói.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời tiết hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng trong ngày 30/10 có mưa, gây khó khăn cho việc tìm kiếm các nạn nhân. Hiện, quốc lộ 40B nối từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My bị chia cắt do sạt lở. Chính quyền địa phương đã giăng dây cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện giao thông đường bộ.

Không chỉ giúp đỡ về vật chất mà cần hỗ trợ về mặt tâm lý

Giữa đại ngàn núi, rừng bao la, ngôi làng nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) vốn bình yên với những mái nhà gỗ nằm bên con suối thì nay đã bị san phẳng như bình địa. 11 căn nhà với 55 nhân khẩu bỗng chốc bị nước lũ cùng hàng nghìn tất đất đá từ núi đổ về cuốn phăng cùng bao gia sản. Dù 33 người đã may mắn thoát chết, nhưng 22 người tử vong và mất tích là còn số quá kinh hoàng.

Ghi nhận của PV, sau khi xảy ra vụ sạt lở 2 ngày, khi tuyến đường dẫn vào điểm sạt lở cơ bản đã thông, nhiều đoàn từ thiện đã hướng về Trà Leng. Ngoài giúp đỡ về các nhu yếu phẩm, đoàn còn hỗ trợ tiền mặt cho gia đình các nạn nhân.

Hai mẹ con may mắn thoát chết, họ ngoài sự giúp đỡ về mặt vật chất, còn cần sự hỗ trợ về mặt tâm lý.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, nơi các nạn nhân thoát chết vụ sạt lở ở Trà Leng đang điều trị, các nhà hảo tâm cũng tìm về để giúp đỡ, động viên, thăm hỏi. Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, nhiều nạn nhân trong số này đang điều trị, đặc biệt là các em nhỏ đã bị sang chấn tâm lý biểu hiện là sự hoảng loạn, sợ hãi.

Một chuyên gia tâm lý đang giảng dạy tại khoa Tâm lý - Giáo dục (trường đại học Sư phạm - đại học Huế) chia sẻ, sang chấn tâm lý (hay còn gọi là chấn thương tâm lý) là dạng tổn thương về mặt tâm trí do một sự kiện đau khổ gây ra.

Về cảm xúc, những người bị chấn thương tâm lý, họ có nguy cơ cao phát triển các rối loạn như lo lắng tột độ, mất kiểm soát cơn tức giận, buồn bã, cảm giác tội lỗi của người sống sót. Họ có thể gặp các vấn đề liên tục với giấc ngủ hoặc nỗi đau thể xác, gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân, nghề nghiệp và cảm thấy bản thân không có giá trị, phản ứng căng thẳng kém thích nghi.

“Trường hợp những người sống sót sau vụ sạt lở đất ở Trà Leng cũng vậy, ngoài hỗ trợ về vật chất, các nạn nhân cần được hỗ trợ về mặt sức khoẻ tâm thần. Cần có những bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý để có sự hỗ trợ một cách tốt nhất đối với các nạn nhân còn sống cũng như người thân của các nạn nhân đã tử vong”, chuyên gia tâm lý này nói.

Lê Công Thành

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ Hai (175)

Tin nổi bật