Giới hạn số tiền mặt rút ra mỗi ngày, mở rộng đối tượng dùng thẻ tín dụng... là một số điểm mới đang được NHNN đưa ra trong dự thảo bổ sung quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, để hạn chế việc sử dụng tiền mặt (ngoại tệ) được rút từ thẻ sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối, tại dự thảo quy định các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ tại nước ngoài sẽ bị giới hạn hạn mức tối đa theo ngày.
Dự thảo nêu rõ đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày. Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
Việc hạn chế rút tiền mặt từ thẻ là cần thiết. |
Theo giải thích của NHNN, quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ được rút từ thẻ và chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối. Còn đối với hạn mức rút tiền mặt qua các máy POS trong ngày nhằm hạn chế rủi ro.
Trên thực tế, chỉ một số ngân hàng cấp hạn mức rút tiền mặt ngoại tệ tương đương 50-60 triệu đồng/ngày cho một số chủ thẻ. Sau khi chủ thẻ rút tiền mặt, họ sẽ phải chị phí 4%, cộng thêm 10% VAT cho tổng giá trị, phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2 - 3%, chưa kể mức lãi suất lên tới 18 – 19%/năm, phí cho NH nước sở tại.
Nhận định về mức phí được NHNN quy định, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, đây là “nút chặn” cho những giao dịch rút tiền mặt trên thị trường.
Về hạn chế của quy định này đối với thị trường, TS Lê Đạt Chí cho biết quy định này cũng không ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch thẻ tín dụng. Tuy nhiên nếu để quản lý việc sử dụng ngoại tệ theo pháp lệnh ngoại hối thì cũng chưa bao trùm hết nhiều cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua thẻ. Ví dụ, nhiều cá nhân hiện nay chỉ cần ngồi tại VN cũng có thể sử dụng các thẻ tín dụng khác nhau để thanh toán mua bán hàng hóa, giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản và thậm chí hiện nay là giao dịch tiền ảo…
TS Lê Đạt Chí phân tích thêm: Hạn mức thẻ tín dụng cá nhân đang phổ biến ở mức từ 50 - 100 triệu đồng/thẻ, nhiều sinh viên chỉ cần có hạn mức thẻ dưới 50 triệu đồng, nhưng sử dụng nhiều thẻ khác nhau thì giao dịch mua bán trực tuyến ra nước ngoài cũng lên 2.000 - 3.000 USD. Hơn nữa, việc thanh toán bằng thẻ qua mạng internet hiện không giới hạn số tiền giao dịch trong ngày nên việc chuyển tiền ra nước ngoài càng dễ dàng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng trước đây, có những thời điểm vì chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do và hệ thống NH khá lớn. Do đó một số khách hàng ra nước ngoài rút ngoại tệ từ thẻ để về VN bán lại kiếm lời.
Hoàn toàn đồng ý với việc đưa ra hạn mức trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng Việt Nam trong bối cảnh siết quản lý “chảy máu” ngoại tệ, việc giới hạn rút ngoại tệ tại nước ngoài là cần thiết. Giới hạn cho rút tối đa 30 triệu đồng/ngày (khoảng 1.300 USD/ngày) là mức khá cao so với các nước.
Bởi nếu cứ rút được 1.300 USD/ngày, mà ngày nào cũng rút thì con số đó sẽ lớn hơn số 5.000 USD tiền mặt mà luật cho phép mỗi cá nhân được mang ra nước ngoài.
Còn TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, cho rằng lý do đưa ra quy định này có thể hiểu ngân hàng muốn tránh chảy máu ngoại tệ trong tình cảnh cả nền kinh tế đang chắt chiu từng đồng xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ về.
Lý do thứ hai là bảo đảm an ninh, an toàn cho chủ tài khoản, tránh việc tài khoản bị “hack” rút một số tiền lớn không kiểm soát được… Tuy nhiên, TS Tuấn phân tích: Nhu cầu đi ra nước ngoài và chi tiêu là có thật.
Có những chủ thẻ thuộc hàng VIP hoặc siêu VIP lại đang được quản lý đánh đồng như chủ thẻ hạn mức thấp nhất là không đúng. Không thể đánh đồng hạn mức cho mọi loại thẻ khách hàng; cũng không nên đánh đồng cho mọi thị trường.
Minh Thư (T/h)