CNN dẫn thông tin từ một báo cáo mới cho biết, nhiệt độ Trái Đất chạm mốc cực cao vào tháng 6/2023 khi nắng nóng cực độ “thiêu đốt” miền Nam nước Mỹ và Mexico, đồng thời mức nhiệt của đại dương tăng vọt đến mức báo động.
Theo phân tích của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay với nhiệt độ cao hơn đáng kể so với mức kỷ lục được ghi nhận hồi năm 2019.
Copernicus thông tin, việc ghi nhận 9 tháng 6 nóng nhất được ghi nhận trong 9 năm qua là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang đẩy nhiệt độ lên mức cao chưa từng có.
Cơ quan này cũng phát hiện, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm nhất được ghi nhận trong tháng 6/2023, chủ yếu là do hơi nóng đặc biệt ở Bắc Đại Tây Dương và hiện tượng El Nino mạnh lên tại Thái Bình Dương.
Phân tích nói trên được đưa ra khi dữ liệu từ các cơ quan khí hậu toàn cầu chỉ ra, Trái Đất vừa trải qua ngày nóng nhất vào đầu tuần này.
Cụ thể, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ không khí trung bình hàng ngày trên bề mặt Trái Đất đạt 17,18 độ C hôm 4/7, vượt mức 17 độ C được ghi nhận một ngày trước đó. Kỷ lục này chưa được chứng thực bằng các phép đo khác nhưng có thể bị phá vỡ một lần nữa khi bán cầu Bắc bắt đầu bước vào mùa hè.
Bang Texas và một số khu vực miền Nam nước Mỹ đối mặt với một đợt nắng nóng gay gắt vào cuối tháng 6. Ảnh: Reuters
Trao đổi với AFP, Copernicus xác nhận ngày 3/7 là ngày nóng nhất trong hệ thống dữ liệu được thống kê từ năm 1940 của họ. Hiện, cơ quan này chưa thể xác nhận dữ liệu cho ngày 4/7.
Đây là một dấu hiệu mới về tác động của biến đổi khí hậu do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Được biết, kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu trước đó được ghi nhận vào ngày 24/7/2022, ở mức 16,92 độ C.
“Tình trạng này thật đáng báo động. Thật khó để tưởng tượng những mùa hè sẽ ra sao trong 20 năm tới. Đây chính xác là hiện tượng nóng lên toàn cầu”, nhà khoa học khí hậu Jennifer Marlon thuộc Đại học Yale nói.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, các nhiệt độ kỷ lục này nêu bật ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Tình trạng hiện tại có thể tạo điều kiện để nhiều kỷ lục bị phá vỡ hơn do El Nino - hiện tượng cũng có tác động làm Trái Đất nóng lên, đẩy nhiệt độ lên mức cao chưa từng thấy.
Theo Cơ quan Khí tượng (MET) của Anh, khu vực Tây Bắc châu Âu ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2022, trong đó Anh đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Báo cáo nêu, nhiệt độ ở các vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền Đông Australia cao hơn đáng kể so với mức bình thường trong tháng 6.
Tại Mỹ, bang Texas và một số khu vực miền Nam đối mặt với một đợt nắng nóng gay gắt vào cuối tháng 6, với nhiệt độ lên tới 3 chữ số (tính theo độ F) và độ ẩm cực cao. Nắng nóng mở rộng về phía Nam đến Trung Mỹ đã khiến ít nhất 112 người ở Mexico tử vong kể từ tháng 3.
Tổ chức Climate Central chia sẻ, những ngày cực nóng, có thể coi là nóng nhất mùa hè, hiện được ghi nhận thường xuyên hơn so với năm 1970, tại 195 địa điểm trên khắp nước Mỹ. Khoảng 71% địa điểm trong số đó đang phải trải qua ít nhất 7 ngày cực nóng mỗi năm.
Theo báo cáo hôm 6/7, các đại dương tiếp tục có xu hướng ấm lên rõ rệt kể từ đầu năm 2023. Bắc Đại Tây Dương ấm đặc biệt vào tháng 6, với sóng nhiệt đại dương cấp 4 (được định nghĩa là mức “cực đoan) được quan sát thấy ở xung quanh Ireland, Anh và trên Biển Baltic.
Trong khi ô nhiễm gia tăng làm Trái Đất nóng lên là nguyên nhân chính gây ra nhiệt độ cực cao như hiện tại, các nhà khoa học cho biết, hiện tượng El Nino dự kiến sẽ khiến nhiệt độ đại dương tăng cao hơn nữa trong năm 2023.
Nhà khoa học khí hậu Jennifer Marlon chia sẻ: “Sự nóng lên của đại dương thậm chí còn đáng lo ngại hơn vì khi các đại dương ấm lên, mức nước biển sẽ cao hơn, các cơn bão lớn hơn dâng lên và nhiều khu vực ven biển bị ngập lụt hơn”.
Một đám cháy lan rộng lên phía Tây thành phố Petaluma (bang California, Mỹ). Ảnh: AP
Theo CNN, trong tháng 6/2023, khí hậu ẩm ướt hơn mức trung bình tại phần lớn khu vực phía Nam châu Âu, một số khu vực của Iceland và Nga, với mưa lớn gây lũ lụt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kosovo và Romania.
Trong khi đó, một số khu vực trên thế giới, từ Đông Âu và Scandinavia đến phần lớn Bắc Mỹ, có điều kiện khô hạn hơn mức trung bình vào tháng 6. Các đám cháy rừng đã bùng phát tại vùng đất Sừng châu Phi, Canada và một số vùng ở Nam Mỹ và Australia.
Đáng chú ý, băng biển Nam Cực cũng ở mức thấp nhất trong tháng 6, thấp hơn 17% so với mức trung bình kể từ khi bắt đầu được quan sát qua vệ tinh. Con số này đã phá vỡ kỷ lục được ghi nhận vào tháng 6/2022. Copernicus cho biết, quy mô băng biển hàng ngày quanh Nam Cực vẫn ở mức thấp chưa từng thấy vào thời điểm này trong năm.
Theo thông tin trên The Journal, nhiệt độ trung bình toàn cầu thường tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Nhiệt độ có khả năng tăng cao hơn và vượt mức trung bình lịch sử vào năm 2024, khi xảy ra hiện tượng El Nino tại Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hoạt động của con người, chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tiếp tục tạo ra khoảng 40 tỷ tấn CO2 khiến Trái Đất nóng lên mỗi năm.
XEM THÊM: Nhiệt độ trung bình toàn cầu lập kỷ lục mới trong 2 ngày liên tiếp
Hồi năm 2015, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu kêu gọi các nước cố gắng hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, không để con số này vượt quá 2 độ C. Thế giới hiện đã nóng hơn khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đang phải chịu các tác động của khủng hoảng khí hậu như nắng nóng, hạn hạn, băng tan.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), quy mô của những thay đổi gần đây đối với khí hậu là “chưa từng có” trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Rõ ràng, tác động của con người đã khiến bầu khí quyển, đại dương và mặt đất ấm lên.
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu dự kiến sẽ vượt mức 1,5 độ C, rồi tiếp tục vượt qua con số 2 độ C nếu không “giảm mạnh” lượng khí thải CO2 và các khí nhà kính khác.
Đinh Kim (Theo CNN, The Journal)