Quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể làm phức tạp hơn xung đột ở Trung Đông, khiến giá dầu bất ổn và cản trở hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến vào tháng tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tuyên bố hủy bỏ cam kết của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran - Ảnh: Reuters. |
Chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế. Giới phân tích không ủng hộ ông Trump và lo ngại rằng việc này sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc các nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran tuân thủ những cam kết của mình sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuyên bố của ông Guterres nêu rõ: "Tôi kêu gọi các nước tham gia JCPOA tuân thủ hoàn toàn những cam kết riêng rẽ của mình theo JCPOA và tất cả các nước thành viên khác ủng hộ thỏa thuận này".
TTK LHQ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định trên của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng những quan ngại liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân cần phải được giải quyết thông qua những cơ chế được thiết lập trong JCPOA.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố EU xác định bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc.
Bà Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là "trụ cột của an ninh quốc tế" và bà kêu gọi các bên tham gia ký kết tiếp tục tôn trọng nó.
“Thỏa thuận hạt nhân với Iran là hết sức quan trọng đối với an ninh của khu vực, của châu Âu và toàn thế giới”, bà Mogherini phát biểu.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. - Ảnh: European Western Balkans. |
Bà Mogherini sẽ tham vấn các đối tác châu Âu về những lệnh trừng phạt này để đánh giá tác động của chúng.
Bà Mogherini cũng cho rằng miễn là Iran tiếp tục thực hiện các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân như họ đã và đang làm, EU sẽ tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hạt nhân với nước này. Bà cũng nhấn mạnh EU hoàn toàn tin tưởng vào công việc, thẩm quyền và sự độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi cơ quan này đã công bố 10 báo cáo xác nhận rằng Iran đã hoàn toàn tuân thủ các cam kết của mình.
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp, Anh và Đức “lấy làm tiếc” về quyết định của Tổng thống Trump và gọi đây là "mối đe dọa đối với nỗ lực toàn cầu kiềm chế vũ khí hạt nhân". Ông Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May về những bước kế tiếp sau quyết định của ông Trump.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng, Moscow "vô cùng thất vọng" với quyết định của Washington. "Mỹ một lần nữa hành động trái với quan điểm của hầu hết các nước trong khi theo đuổi những lợi ích riêng, ích kỷ và nhất thời", Bộ Ngoại giao Nga nói. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là "vi phạm luật pháp quốc tế".
Saudi Arabia đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông, cho biết sẽ làm việc với Mỹ và cộng đồng quốc tế để giải quyết chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như sự hỗ trợ của nước này đối với các nhóm vũ trang trong khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ: "Iran đã sử dụng các thành quả kinh tế có được từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt bằng cách phát triển các tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các nhóm khủng bố trong khu vực".
Sau khi Tổng thống Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, coi đây là quyết định "lịch sử" và "Israel cảm ơn Tổng thống Trump về sự lãnh đạo can đảm của ông ấy". Ông Netanyahu tái khẳng định Israel phản đối JCPOA ngay từ đầu với lập luận rằng thỏa thuận này thay vì ngăn cản lại mở đường cho Iran tiến tới sở hữu một kho vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng vài năm tới.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria trong một tuyên bố cho biết nước này kịch liệt lên án quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm, mô tả quyết định của Trump là "mất phương hướng". "Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Việc liên tục coi thường thỏa thuận mà Mỹ tham gia có nguy cơ làm tổn hại uy tín của chúng ta, cũng như đẩy nước Mỹ vào thế đối đầu với các cường quốc khác", ông Obama tuyên bố.
Ông cảnh báo hậu quả của việc hủy bỏ cam kết này: "Không có JCPOA, Mỹ thậm chí bị đặt vào thế lựa chọn giữa một Iran sở hữu hạt nhân và một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông".
Đây ít nhất là lần thứ ba ông Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương từng cam kết ở chính quyền tiền nhiệm.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng than phiền về quyết định của ông Trump. Ông cho rằng quyết định của ông Trump "làm suy yếu an ninh nước Mỹ, cô lập chúng ta với các đồng minh châu Âu, khiến Israel gặp nguy cơ cao hơn, tạo thêm sức mạnh cho những phe cứng rắn ở Iran và làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của chúng ta trong việc giải quyết những hành vi sai trái của Iran trong khi gây hại cho khả năng đàm phán các thỏa thuận quốc tế các chính phủ Mỹ trong tương lai”.
Ngay sau quyết định của Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng nước này có thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân nếu các lợi ích của Tehran với các nước ký thỏa thuận được đảm bảo. Tuy nhiên, ông Rouhani cũng tuyên bố rằng nếu các lợi ích quốc gia của Iran không được đáp ứng, Tehran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani công nghiệp ở tốc độ thông thường
Đồng thời Tổng thống Hassan Rouhani đã tìm cách trấn an công chúng. Ông mỉm cười khi xuất hiện tại một triển lãm dầu mỏ. Ông không nêu đích danh ông Trump, nhưng nhấn mạnh rằng Iran sẽ tiếp tục theo đuổi "hội nhập với thế giới".
“Khả năng là chúng ta sẽ gặp đôi chút vấn đề trong vòng từ hai đến ba tháng, nhưng chúng ta sẽ vượt qua,” ông Rouhani được dẫn lời nói.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. - Ảnh: REUTERS. |
Trước đó, Iran đã kín tiếng về phản ứng của họ trước các lệnh trừng phạt có thể bị ông Trump áp đặt trở lại. Trong nhiều tuần, Ngoại trưởng Iran đã nói rằng việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt sẽ khiến thỏa thuận trở thành vô hiệu lực, khiến Tehran không có lựa chọn nào khác ngoài việc cũng từ bỏ thỏa thuận.
Trong một tuyên bố nảy lửa trên truyền hình, ông Rouhani lên án Mỹ là nước "không bao giờ tuân cam kết của mình" và cáo buộc nước Mỹ "luôn có lập trường thù địch".
Truyền hình nhà nước Iran gọi quyết định của ông Trump là "bất hợp pháp và phá hoại các thỏa thuận quốc tế".
Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm 2017, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 và giờ là JCPOA.
Báo Guardian lưu ý rằng ông Trump sử dụng cụm từ "rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran" là không chính xác. Vì JCPOA không phải một "hiệp ước" nên không có chuyện "rút khỏi". Thay vào đó, Mỹ chỉ có thể "tôn trọng", "tuân thủ" hoặc "vi phạm" mà thôi.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)