Ngày 12/5/2008, tại trường Trung học Guangya ở huyện Đô Giang Yển (Tứ Xuyên, Trung Quốc) nơi thầy Phàm Mỹ Trung đang giảng dạy bất ngờ xuất hiện một trận động đất.
Ban đầu, thầy Phàm Mỹ Trung đã đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của thiên tai nên chỉ yêu cầu học sinh không rời khỏi chỗ ngồi. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy đây là một trận động đất nghiêm trọng, cửa sổ và sàn nhà bắt đầu rung chuyển dữ dội, thầy Phàm đã nhanh chóng lao ra khỏi lớp "thoát thân" đầu tiên, mặc kệ sự an toàn của học sinh.
May mắn thay, khi giáo viên bỏ chạy, các học sinh cũng cùng chạy ra ngoài, cuối cùng tất cả học sinh đều trốn thoát thành công và không có thương vong. Sau đó, Phàm Mỹ Trung đã tự ý bỏ trốn và hành vi coi thường an toàn của học sinh đã bị tung lên mạng.
Thầy giáo Phàm Mỹ Trung. Ảnh: Sohu.
Nhiều ý kiến cho rằng Phàm không có "đạo đức nhà giáo", sẵn sàng bỏ mặc học sinh ngay khi thấy nguy hiểm xảy ra. Không chỉ trở thành tấm gương điển hình về "nhà giáo tiêu cực" trong mắt phụ huynh và học sinh, Phàm còn bị nhiều người gửi đơn khiếu nại đòi đuổi việc.
Làn sóng chỉ trích có lý do bùng lên mạnh mẽ khi ngay cách đó không lâu, một trận động đất gần 8 độ richter cũng xảy ra ở Tứ Xuyên khiến 69.000 người chết và hơn 18.000 người mất tích.
Một trong những "người hùng" của sự kiện này là thầy Tan Qianqiu - một giáo viên cấp 3 đã ra đi vĩnh viễn khi lấy thân mình và bàn học che chắn cho 4 học sinh. Khi so sánh hành động "bỏ mặc" học sinh của Phàm và sự ra đi của thầy Tan Qianqiu khi thảm hoạ xảy ra, nhiều người không khỏi phẫn nộ.
Trận động đất gần 8 độ richter cũng xảy ra ở Tứ Xuyên khiến 69.000 người chết và hơn 18.000 người mất tích. Ảnh: Sohu.
Về phía mình, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, thầy Phàm chỉ trích sự lạc hậu của hệ thống giáo dục Trung Quốc và bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào mình:
"Tôi là người theo đuổi tự do và công lý, không phải là người đặt người khác lên trên mình và dũng cảm hy sinh bản thân mình. Vào giây phút sinh tử này, tôi chỉ có thể nghĩ đến việc hy sinh bản thân vì con gái mình. Những người khác, kể cả mẹ tôi, tôi sẽ không quan tâm đến tình huống này”.
Bên cạnh đó, Phàm còn cho rằng, hành động của bản thân có tác động tích cực đến học trò: "Tôi giúp các em nhận ra quyền của chính mình và hiểu rằng chúng ta nên xây dựng các hệ thống phù hợp, thay vì dựa vào đạo đức của con người, để làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ tôi là người nỗ lực nhiều nhất để sống đúng với chính mình ở Trung Quốc".
Ngay lập tức, câu nói này của thầy Phàm đã khiến anh ta trở thành "tâm điểm" của MXH, đẩy làn sóng chỉ trích chạm đến đỉnh điểm.
Trước làn sóng chỉ trích hành động của thầy Phàm, trường trung học đã sa thải anh ta. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối cho anh bởi mặc dù có nhiều quan điểm và hành động gây tranh cãi, anh ta có học vấn tốt và là giáo viên được đánh giá cao trong trường.
Thầy Phàm chỉ trích sự lạc hậu của hệ thống giáo dục Trung Quốc và bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào mình. Ảnh: Sohu.
Được biết, thầy giáo Phàm Mỹ Trung tốt nghiệp Khoa Lịch sử của Đại học Bắc Kinh - ĐH hàng đầu Trung Quốc và Châu Á. Sau khi nhiều người biết được Phàm là một "học bá" của Bắc Đại, họ đã buộc tội ông là kẻ mang lại nỗi xấu hổ đạo đức và "sản phẩm thất bại" của trường.
"Sau khi Phàm Mỹ Trung tốt nghiệp, anh ta thay nhau mắng mỏ các giáo viên ở ĐH Bắc Kinh trên mạng. Anh ta học không chăm chỉ ở trường và rất thiếu tôn trọng giáo viên. Chúng tôi thật xấu hổ khi có những học sinh như vậy!", thầy Wang Chunmei, Bí thư Đảng ủy Khoa Lịch sử ĐH Bắc Kinh, chỉ trích gay gắt học trò cũ.
Cũng bởi tiếng tăm của Đại học Bắc Kinh tại Trung Quốc quá lớn, do đó chính trường đại học này từng vấp phải nhiều chỉ trích vô cớ sau vụ việc của thầy Phàm. Thậm chí, nhiều người gọi Fan là "sản phẩm thất bại của Đại học Bắc Kinh".
Theo lời bạn học và giáo viên cũ tại trường Đại học Bắc Kinh, thầy Phàm có xu hướng khép mình khi còn là sinh viên. Điều kiện gia đình anh ta tương đối khó khăn, song có học lực giỏi nên anh rất tự tin vào năng lực bản thân. "Phàm thường nghĩ rằng bản thân tài năng hơn hầu hết các bạn cùng lớp, nhưng không ai đánh giá cao điều đó", một bạn học cũ nói về anh.
Sau khi bị đuổi việc, Phàm Mỹ Trung đã trở thành "ông bố toàn thời gian", ở nhà chăm sóc con cái. Ảnh: Sohu.
Sau khi bị đuổi việc, Phàm Mỹ Trung đã trở thành "ông bố toàn thời gian", ở nhà chăm sóc con cái. Thỉnh thoảng, anh viết tài liệu giảng dạy và biên soạn sách. Anh cho biết rất coi trọng giáo dục con cái, muốn chúng tránh được nhược điểm của hệ thống giáo dục hiện tại dưới sự dẫn dắt của mình.
15 năm trôi qua, câu chuyện của Phàm Mỹ Trung vẫn còn gây tranh cãi trên mạng xã hội về "đạo đức của nhà giáo" trước học sinh. Một số người người cho rằng Phàm không sai, bởi bảo toàn tính mạng của bản thân là bản chất của con người. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng anh đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, nên yêu thương và bảo vệ học sinh trong mọi hoàn cảnh. Hành động "bỏ chạy" của anh có thể không đáng bị chỉ trích, song việc anh luôn khăng khăng khẳng định bản thân mình đúng khiến cư dân mạng không khỏi phẫn nộ.
Như Quỳnh (T/h)