Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thấy gì từ công tác đấu thầu tại bệnh viện Mắt Hải Phòng và bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh?

(DS&PL) -

Cùng là các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện Mắt Hải Phòng và bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh mua sắm nhiều trang thiết bị thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, một số sản phẩm được 2 chủ đầu tư này phê duyệt có dấu hiệu chênh lệch giá cao hơn hàng tỷ đồng so với giá nhập khẩu.

Chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu gần 40%

Thời gian qua, tội phạm trong hoạt động đấu thầu diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, giao thông, mua sắm công...

Đáng chú ý, ngay cả một số lĩnh vực mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... thì những vi phạm về công tác đầu thầu lại có sự tinh vi hơn. Tuy không phải là phổ biến nhưng các sai phạm phần nào có những ảnh hưởng thiếu tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như niềm tin trong nhân dân.

Từ thực tiễn đó, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, đơn cử tại bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh và bệnh viện Mắt, Hải Phòng.

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh có địa chỉ tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Được biết, bệnh viện Bãi Cháy thuộc sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, trụ sở ở phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long. Tại Quyết định số: 15/ QĐ-BVBC ngày 5/1/2022, Giám đốc bệnh viện Bãi Cháy Lê Ngọc Dũng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu MD04 Mua sắm hóa chất sử dụng cho máy xét nghiệm miễn dịch Cobas E411 E601 E602 - Hãng Roche.

Quyết định được đăng tải trên mạng đấu thầu Quốc gia, trong kết quả lựa chọn nhà thầu gói MD04.

Trong quyết định nói trên, đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần Optica Việt Nam với giá trúng thầu 9.732.059.726 đồng, tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 46.869.846 đồng, đạt tỉ lệ 0,48%.

Theo thông tin đăng tải trên mạng đấu thầu Quốc gia, gói thầu MD04: Mua sắm hóa chất sử dụng cho máy xét nghiệm miễn dịch Cobas E411 E601 E602 - Hãng Roche có tên đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần phát triển dịch vụ Thiên Bình. Kết quả mở thầu cho thấy, Thiên Bình là nhà thầu duy nhất tham dự thầu và trúng gói thầu này.

Thông tin về gói thầu MD04 trên trang mua sắm công của bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tìm hiểu trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty Thiên Bình và công ty Optica Việt Nam có cùng địa chỉ tại số 11, ngõ 344/58, đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội.

Còn trên mạng đấu thầu Quốc gia, công ty Thiên Bình có người đại diện pháp luật là Giám đốc Khương Văn Sang, công ty Optica có người đại diện pháp luật là Nguyễn Trọng Khánh, không rõ chức danh.

Thông tin về 2 công ty trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về lịch sử nhà thầu được mạng đấu thầu Quốc gia ghi nhận, công ty Optica tham gia 1 gói thầu, trong đó trúng 1 gói, tổng giá trị trúng thầu: 2.760.000.000 đồng. Đây cũng là giá trị mà Optica trúng ở gói thầu Mua hóa chất, sinh phẩm lần 6 năm 2022 phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của bệnh viện 74 Trung ương. Gói thầu này là gói duy nhất mà công ty Cổ phần Optica Việt Nam (có tên giống với công ty được phê duyệt trong Quyết định lựa chọn nhà thầu của bệnh viện Bãi Cháy - PV) thực hiện khi tham gia mạng đấu thầu Quốc gia.

Thông tin về công ty Cổ phần Optica Việt Nam trên trang đấu thầu. Ảnh chụp màn hình ngày 8/12/2023.

Trở lại gói thầu MD04, khi so sánh mã ký hiệu, xuất xứ sản phẩm với giá nhập khẩu, PV nhận thấy có nhiều thiết bị được mua sắm giá cao. Tìm hiểu ngẫu nhiên 26/131 hàng hóa, tổng số tiền chênh lệch là 3.844.486.104 đồng, bằng 39,5% so với giá gói thầu.

Cụ thể, Hóa chất xét nghiệm Anti-HCV (model: 06368921190, Elecsys Anti-HCV II), thuộc hãng sản xuất Roche Diagnostics GmbH, xuất xứ: Đức được nhà thầu cung cấp cho bệnh viện Bãi Cháy với giá 7.706.790 đồng (hơn 7,7 triệu đồng). Tuy nhiên, giá nhập khẩu của sản phẩm tương tự là 3.753.715 đồng (hơn 3,7 triệu đồng). Với số lượng 150 hộp, thì số tiền chênh lệch là 592.961.250 đồng (hơn 592 triệu đồng).

Tương tự, vào ngày 6/5/2022, Hóa chất xét nghiệm định lượng procalcitonin (model: 08828644190, Elecsys BRAHMS PCT; hãng sản xuất: Roche Diagnostics GmbH) được nhập khẩu từ Đức về Việt Nam có giá 9.429.770 đồng (hơn 9,4 triệu đồng, đã bao gồm VAT). Trong khi đó, đơn giá trúng thầu là 19.918.395 đồng (gần 20 triệu đồng).

Ngoài ra, Hóa chất xét nghiệm định lượng NT-ProBNP có mã ký hiệu 08836736190, Elecsys proBNP II, xuất xứ Đức được bệnh viện Bãi Cháy mua với giá 26.611.410 đồng (hơn 26 triệu đồng). Tuy nhiên, giá nhập khẩu chỉ 12.402.635 đồng (hơn 12 triệu đồng), chưa bằng 1 nửa so với giá trúng thầu.

Lợi nhuận của doanh nghiệp đã đúng và đủ?

Hiện tượng chênh lệch giá gói thầu cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu còn xuất hiện ở bệnh viện Mắt Hải Phòng.

Theo đó, tháng 12/2022, bệnh viện Mắt Hải Phòng thực hiện gói thầu số 1: Mua sắm trang thiết bị vật tư y tế năm 2022-2023 (Thủy tinh thể nhân tạo). Gói thầu này được Giám đốc Nguyễn Đức Quân phê duyệt bằng Quyết định số: 496/QĐ-BVM với giá trúng thầu là 22.636.189.200 đồng. 

Bệnh viện Mắt Hải Phòng có trụ sở tại 383 Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Liên danh 5 nhà thầu trúng gói thầu này bao gồm các công ty: TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Thiết bị y tế Anh Duy, TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An, TNHH DKSH Việt Nam, TNHH Thiết bị y tế và Hoá chất Phú Cường, TNHH Y tế Hùng Vĩ. 

Ở gói này, sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo (mã T2), (Ký hiệu: Micropure 123/'PhysIOL S.A; Xuất xứ: Bỉ) được công ty TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An cung cấp với giá 3.500.000 đồng. Tuy nhiên, cùng mã ký hiệu, nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa được nhập khẩu có giá chỉ 2.705.211 đồng (đã bao gồm 5% thuế). Với nhu cầu mua sắm 2.700 cái, số tiền bệnh viện Mắt Hải Phòng chi cao hơn giá nhập khẩu 2.145.929.525 đồng (hơn 2,1 tỷ đồng).

Tương tự, thủy tinh thể nhân tạo (mã T1) (Ký hiệu: HOYA iSert 251; Hãng sản xuất: HOYA Medical Singapore Pte. Ltd/ Singapore)  được nhập khẩu về Việt Nam với giá 2.664.609 đồng (đã bao gồm 5% thuế). Trong khi đó, đơn giá của sản phẩm này tại gói thầu lại lên tới 3.312.000 đồng. Với số lượng 2.700 cái, tổng số tiền chênh lệch khoảng 1.747.955.556 đồng (hơn 1,7 tỷ đồng).

100% hàng hóa mua tại gói thầu này đều có giá cao hơn nhập khẩu, tổng chênh lệch là 5.016.170.066 đồng (hơn 5 tỷ đồng).

100% sản phẩm trong gói thầu của bệnh viện Mắt Hải Phòng có giá cao hơn giá nhập khẩu.

Biết rằng, mỗi sản phẩm từ khi nhập khẩu đến được với chủ đầu tư còn qua một số khâu và “cõng” thêm các phụ phí đi kèm, cùng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư phải chi cao hơn giá nhập khẩu 22% (gói bệnh viện Mắt Hải Phòng) và 39,5% (gói bệnh viện Bãi Cháy) là đáng suy ngẫm.

Bản chất của việc đấu thầu đó là tạo ra sự canh tranh công bằng, minh bạch, ngoài ra cũng tìm nhà thầu có năng lực, đảm bảo chất lượng nhưng mang lại giá trị tiết kiệm cho ngân sách. Công tác mua sắm công càng tiết kiệm, đảm bảo được chất lượng thì khi đó mới đi đúng tinh thần của luật Đấu thầu.

Khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi luôn có niềm tin rằng sẽ không có chuyện nâng khống giá trị thiết bị y tế để trục lợi xảy ra tại 2 bệnh viện nói trên. Để tìm hiểu rõ hơn về mức chênh lệch giá, PV đã liên hệ tới chủ đầu tư nhưng cả 2 bệnh viện đều không có phản hồi.

Theo chuyên gia y tế T.T., ngân sách chi ra mà không có sự giám sát chặt chẽ thì nguy cơ thất thoát là rất lớn. Nếu có thông tin về mức chênh lệch giá thì số tiền chênh lệch đó sẽ đi đâu, cần làm rõ. “Dù chênh là lớn hay nhỏ thì cũng cần phải làm rõ, vì cái nhỏ sẽ làm nên cái lớn. Động cơ chênh giá thì chỉ có do lãi, còn ai lãi thì việc tìm hiểu cũng dễ”, vị chuyên gia nói.

Với góc nhìn pháp lý của luật sư Dương Văn Phúc, công ty luật Hợp danh FDVN, việc phê duyệt kết quả gói thầu mua sắm trang thiết bị có trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của luật Đấu thầu.

“Theo luật Đấu thầu thì việc tổ chức đấu thầu phải đảm bảo công bằng, minh bạch, sử dụng tiền ngân sách để đầu tư mua sắm công cũng phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm, đúng giá trị.

Chủ đầu tư tổ chức mời thầu, phê duyệt gói thầu phải là người có vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho hoạt động đấu thầu được tuân thủ quy định pháp luật. Việc lựa chọn nhà thầu ở đây cần phải rà soát lại quy trình theo luật Đấu thầu có đảm bảo quy định hay không? Xem xét có sai sót hay cố tình nâng khống để hợp thức hóa về giá cả ở giai đoạn nào không?

Ở đây, đơn vị phê duyệt 2 gói thầu có dấu hiệu chênh lệch giá cao cần phải xem xét lại và làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các bộ phận có liên quan”, luật sư Phúc nêu quan điểm cá nhân.

Ngọc Bảo – Thuận Nguyễn

Tin nổi bật