Theo báo Người Lao Động thông tin, TAND TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ và lên lịch xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng do Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) và Trần Xuân Đông (thầy dạy lái xe cho cô) thực hiện.
Trước đó, VKSND TP.HCM ban hành cáo trạng truy tố Trần Thị Ngọc Trinh về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điểm a khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Trần Xuân Đông bị truy tố các tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điểm a khoản 2 Điều 318 Bộ Luật Hình sự và tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo khoản 1 Điều 314 Bộ Luật Hình sự.
Bị can Trần Xuân Đông (áo trắng). Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Nội dung cáo trạng thể hiện Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe A2 nhưng rủ Trần Xuân Đông đến những tuyến đường công cộng tại TP Thủ Đức để thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm (không mặc đồ bảo hộ) như thả hai tay, nằm trên yên xe, quỳ gối trên yên xe... trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2023.
Cơ quan chức năng xác định Ngọc Trinh là người trực tiếp biên tập các đoạn video này và đăng tải lên trang cá nhân để gây sự chú ý.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thu giữ 4 mô tô sang có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong đó, 1 mô tô là của ông N.P.V do Ngọc Trinh mượn để sử dụng. Cơ quan công an xác định ông V. không biết mục đích mượn xe của Ngọc Trinh. Đối với người này, Cơ quan Điều tra đã chuyển hồ sơ cho Công an TP Thủ Đức xử phạt hành chính.
3 mô tô còn lại là của Trần Xuân Đông. Khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì liên quan hành vi chạy xe gây rối trật tự công cộng, Đông đã trình giấy tờ xe cho công an và bị phát hiện là giả.
Nội dung vụ án còn thể hiện Nguyễn Thị Thúy Kiều (trợ lý của Ngọc Trinh), Nguyễn Thanh Long (tài xế của Ngọc Trinh), Tăng Duy Khánh (bạn Long), Nguyễn Hoàng Sơn (trợ lý của Đông) là những người từng quay hay hỗ trợ quay các video lái xe nguy hiểm của Ngọc Trinh.
Bị can Trần Xuân Đông khai nhận, 3 xe môtô trên là Đông mua của các đối tượng không rõ lai lịch. Khi mua xe, Đông biết giấy đăng ký xe là giả nhưng do ham rẻ và cần xe để sử dụng nên đồng ý mua. Trong đó có hai giấy đăng ký xe bị mất, không thu hồi được; còn một giấy đăng ký xe môtô, Đông sử dụng từ năm 2020 đến khi thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng thì bị phát hiện.
Cũng theo cáo trạng, hành vi gây rối trật tự công cộng của hai bị can Trinh và Đông là xâm phạm đến trật tự công cộng, đe dọa tính mạng, sức khỏe người khác; gây mất an ninh trật tự cho xã hội. Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức của bị can Đông đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính của nhà nước. Do vậy cần xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
Đối với Thúy Kiều, Khánh, Long, Sơn là những người làm thuê cho Trinh và Đông. Trong nhận thức chủ quan của những người này chỉ là người làm thuê theo yêu cầu của Trinh là quay phim và việc quay phim đưa lên mạng xã hội không là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Do đó, Cơ quan Điều tra không xử lý Kiều, Khánh, Long và Sơn về tội gây rối trật tự công cộng là có cơ sở. Hiện Cơ quan Điều tra đã chuyển tài liệu, phương tiện bay flycam của Khánh đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức để xem xét xử lý về hành vi bay flycam khi chưa được cấp phép, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.
Thùy Dung (T/h)