Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thanh tra Chính phủ: Không vì bất kỳ áp lực nào mà bẻ cong pháp luật

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thời gian tới ngành thanh tra cần phải công minh, chính trực, khách quan hơn nữa.

(ĐSPL) - Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thời gian tới ngành thanh tra cần phải công minh, chính trực, khách quan hơn nữa.

VnExpress đưa tin, sáng 11/1, tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thời gian tới ngành thanh tra cần phải kiên quyết phát hiện và xử lý tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, đặc biệt không có tư tưởng có vùng cấm, không vì bất cứ áp lực nào mà bẻ cong kết luận".

Phó Thủ tướng nêu rõ, vừa qua chất lượng kết luận thanh tra đã tăng dần, bám sát thực tế hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, cụ thể như tình trạng né tránh, ngại va chạm, nể nang..., dẫn đến kết luận chưa khách quan, chưa đúng bản chất sự việc.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: Bá Đô

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, kết quả xử lý sau thanh tra còn hạn chế, một trong những nguyên nhân cốt yếu là thiếu kiên quyết và xử lý cá nhân vi phạm chưa đầy đủ.

Ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định hiện hành thì thanh tra chỉ được phép kiến nghị xử lý mà chưa có chế tài trong tay, vì vậy tới đây sửa luật sẽ đưa chế tài nghiêm khắc, qua đó ngành thanh tra có thể làm "mạnh mẽ, quyết liệt hơn".

Theo thông tin trên VOV.VN, năm 2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai trên 6.500 cuộc thanh tra hành chính và trên 252.500 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 60.000 tỷ đồng, 4.000 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với trên 1.700 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 đối tượng và chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, thanh tra các cấp đã phát hiện 30 vụ, 60 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 16 vụ, 20 người có hành vi liên quan đến tham nhũng...

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trao Huân chương lao động hạng Nhì cho tập thể Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II) và cá nhân ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng thanh Tra Chính phủ đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2011-2015.

Điều 48 (Luật Thanh tra): Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra hành chính

1. Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

d) Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

đ) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

e) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;

g) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra nhà nước hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;

h) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra;

i) Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra;

k) Quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra;

l) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra;

m) Đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc là người thân thích với đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;

n) Kết luận về nội dung thanh tra;

o) Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

2. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì người ra quyết định thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(tổng hợp)

Tin nổi bật