Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong hơn một năm, cơ quan quản lý thu về hơn 35 tỷ đồng từ việc thanh lý 761 chiếc ô tô công đã qua sử dụng. Giá bình quân của mỗi chiếc xe khi thanh lý là 46,12 triệu đồng.
Theo tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết số lượng ôtô công tính đến ngày 31/12/2016 là 34.214 chiếc, trong đó xe cho chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.000 chiếc và xe chuyên dùng là hơn 16.000 chiếc.
Báo VnExpress cũng đưa tin, từ cuối năm 2015 (thời điểm Quyết định số 32/2015 về sắp xếp, quản lý xe công có hiệu lực) đến nay, cơ quan quản lý đã thực hiện thanh lý 1.105 ôtô. Theo báo cáo của các đơn vị, số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng. Như vậy, giá bình quân của mỗi chiếc xe khi thanh lý vào khoảng 46,12 triệu đồng.
Ôtô biển xanh được niêm phong ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để thực hiện khoán xe công. Ảnh: Zing.vn |
Giải thích về mức giá bán nói trên, ông Trần Đức Thắng cho biết, một số chiếc xe bán thanh lý giá thấp do được sản xuất từ lâu. Việc đấu giá xe công của các đơn vị đều phải thực hiện công khai qua các bước như đăng thông tin bao nhiêu số báo, bao nhiêu ngày, đăng tải trên công thông tin điện tử..... Vì vậy, nếu đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định nói trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng chia sẻ, đến hết năm 2016, cả nước đã thanh lý hơn 1.100 chiếc, còn hơn 2.000 chiếc xe dư hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ, ngành chưa báo cáo hết số lượng trong khi chi phí nuôi mỗi xe công là 320 triệu đồng gồm xăng xe, khấu hao, lái xe….
Theo ông Thắng, trong tờ trình dự thảo mới đây, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án xử lý ôtô dư gồm bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất mua lại); điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, theo dự thảo, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.
Cho rằng dự thảo không tránh khỏi những phản ứng, nhưng với quyết tâm giảm số lượng xe công, ông Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi đưa ra vài phương án, nhưng chưa chọn phương án nào để các bộ, ngành, địa phương tham gia góp ý kiến, từ đó mới hoạch định phương án cuối cùng, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận".
Nói về số tiền dự kiến khoán xe công cho các chức danh (6,5 triệu đồng), đại diện Bộ Tài chính cho biết con số này dựa trên việc kiểm chứng thực tiễn thực hiện tại Bộ Tài chính thời gian qua (người nhận khoán cao gần 10 triệu đồng và thấp hơn 3 triệu đồng/tháng).
Còn về việc áp dụng đơn giá xe taxi 16.000 đồng/km cho người nhận khoán, vị này lý giải đơn giá được Bộ Tài chính căn cứ trên tiêu chuẩn xe (cao nhất là 1,1 tỷ đồng; tiêu chuẩn xe với Thứ trưởng là 920 triệu đồng, xe công tác chung là 720 triệu đồng).
Giải thích về việc chỉ bắt buộc khoán với đưa đón chức danh mà không khoán bắt buộc với đi công tác, ông Thắng cho hay chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch tỉnh... chỉ khoảng 700 người và với đặc thù, tính chất công việc của những chức danh này thì không thể bắt buộc khoán công tác.
Cùng với việc giảm đầu xe, trong thời gian tới Bộ Tài chính cũng sẽ giảm số lượng công chức, viên chức, giảm số lượng biên chế lái xe. Bộ Tài chính hiện không tuyển thêm lái xe, và với những lái xe đến tuổi về hưu thì không tuyển bổ sung.
(tổng hợp)