Có thể thấy, mỗi vùng quê, mỗi tộc người có những ứng xử với nhiều điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau, từ đó hình thành những truyền thống văn hóa, ngành nghề khác nhau, vì vậy, tạo nên tính đa dạng trong sản xuất, đa dạng ngành nghề của cộng đồng địa phương Thanh Hóa. Chính sự đa dạng đó đã bảo lưu được những tri thức dân gian đối với các nghề truyền thống. Đó là tri thức trong nghề thêu, dệt thổ cẩm, nghề rèn đúc, nghề làm giấy...
Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng với truyền thống cần cù, chịu khó, qua quá trình lao động, bằng bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, người dân xứ Thanh đã xây dựng và phát triển nhiều nghề, làng nghề truyền thống, để lại cho con cháu “một di sản” bất tận cho đến ngày nay. Ở mỗi làng nghề truyền thống đều chứa đựng một câu chuyện riêng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa.
Nhắc đến nghề đúc đồng không ai không biết đến làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Nơi đây, nghệ thuật đúc đồng đã phát triển lên một đỉnh cao với sự góp mặt của nhiều đời nghệ nhân xứ Thanh. Tuân thủ theo bí quyết đúc truyền thống từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật làm khuôn, đốt lửa, căn độ sáng tối, lấy âm sản phẩm... trống đồng nơi đây được giới nghiên cứu và thị trường thẩm thụ đánh giá cao về hai tiêu chí kỹ thuật và mỹ thuật. Đó là những chiếc trống đồng đẹp về kiểu dáng, tinh xảo ở những họa tiết hoa văn, chuẩn mực về độ bóng, âm thanh. Những năm gần đây, làng nghề không chỉ được biết đến là một địa chỉ sản xuất nổi tiếng mà còn là điểm đến của nhiều du khách yêu thích khám phá.
Cái nắng chói chang của những ngày mùa hạ tô thêm vẻ đẹp cho những sạp bánh đa làng Chòm, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa). Làng Chòm với nghề làm bánh đa từ lâu đời, được nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay nghề làm bánh đa làng Chòm luôn giữ được hương vị đặc trưng mà ông cha bao đời để lại. Trong làng có rất nhiều gia đình theo nghề từ ba đến bốn đời. Họ làm bánh đa không chỉ vì cuộc sống mà còn vì tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống. Hiện nay với sự ra đời của nhiều loại bánh kẹo, thế nhưng bánh đa làng Chòm vẫn là thứ quà quê dân dã ngày càng hấp dẫn nhiều người. Cùng với nỗi nhớ về cây đa, giếng nước, sân đình, thì bánh đa nơi đây vẫn là ký ức ngọt ngào nhất trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ làng Chòm và cả chúng tôi - những người con xứ Thanh.
Làng nghề nón lá Trường Giang (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) có lịch sử hàng trăm năm nay
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Trường Giang (Nông Cống) từ hàng trăm năm nay, với nhiều làng nón nổi tiếng như Tuy Hòa, Yên Lai... Trải qua bao thăng trầm, nhưng mỗi người con ở mảnh đất này luôn tâm huyết, gắn bó với nghề từ bé. Nón lá Trường Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, chắc chắn giúp che nắng, che mưa chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến may hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường... Du khách có thể bắt gặp ở chợ nón hình ảnh những cô bé vừa phụ giúp mẹ bán nón vừa học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại. Người dân Trường Giang càng tự hào hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch đến để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng. Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, ngày nay, các bậc cao niên ở trong làng vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu.
Ngoài những làng nghề nêu trên, hiện còn có nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời như nghề dệt chiếu ở Nga Sơn, nghề làm bánh gai tại Tứ Trụ (Thọ Xuân), sản xuất nước mắm truyền thống Ba Làng (TX.Nghi Sơn), dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), dệt thổ cẩm Cẩm Lương (Cẩm Thủy), mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)... Có thể thấy, ở những làng nghề truyền thống của quê hương Thanh Hóa không chỉ tạo được dấu ấn bởi sản phẩm tinh xảo được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo của người dân xứ Thanh, mà qua quá trình lao động đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gìn giữ cho được “một cái nghề” - một nét văn hóa truyền thống riêng của họ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có 155 nghề truyền thống, trong đó có 47 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, nét đẹp của mỗi làng nghề truyền thống được hình thành nên bởi lớp người đi trước và được gìn giữ, phát huy giá trị bởi thế hệ con cháu mai sau. Mỗi làng nghề mang một nét đẹp riêng của người dân xứ Thanh. Và điểm chung của những làng nghề truyền thống đó chính là tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư, đặc biệt là việc cùng nhau giữ gìn cho được tinh hoa văn hóa mà ông cha để lại trong mỗi nghề truyền thống... Sự hình thành, phát triển của các làng nghề đánh dấu sự tiến bộ về trình độ, tư duy của Nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, từ chỗ chỉ sử dụng những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên sang biết chế tác ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống. Song song với quá trình đó là sự phát triển các kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Dù cơ chế thị trường tác động đã làm thay đổi phương thức, nhiều nghề đã không đủ điều kiện tồn tại... song cũng không ít nghề vẫn đứng vững, vận dụng, kế thừa, phát huy kinh nghiệm cha ông để đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất một cách hiệu quả. Cùng với việc gìn giữ của các thế hệ thì những chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích, khôi phục, tạo điều kiện cho các nghề thủ công truyền thống phát triển, chính là “đòn bẩy” không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần truyền giữ giá trị văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc cho đời sau.
Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở xứ Thanh không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng xứ Thanh. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống, cần sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành và địa phương. Có như vậy, nghề và làng nghề truyền thống mới thực sự tồn tại và phát triển.
Hồ Châu