(ĐSPL) - “Đúng sai thế nào chúng tôi cũng chưa dám khẳng định. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại tại các trường, nếu có sự sai lệch sẽ làm báo cáo lên cấp trên”, ông Sĩ nói.
Thời gian gần đây nhiều phụ huynh có con em học lớp 5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xôn xao bàn luận về một bài học liên quan đến nhân vật truyền thuyết được nhắc đến trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm).
Cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 có đoạn văn “lạ” về sự tích Thánh Gióng. |
|
Cụ thể trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 có 2 câu hỏi và kèm theo hình ảnh một nhân vật đang cưỡi ngựa, tay cầm vật giống khóm tre.
“ Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?
Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.
Nội dung câu hỏi có đoạn văn lạ nói Thánh Gióng đánh giặc xong, Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm rồi vào rừng chết. |
|
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sĩ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hậu Lộc cho biết cuốn sách trên thuộc bộ sách trong chương trình VNEN do Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm tại 1 số trường. Riêng huyện Hậu Lộc có 5 trường tham gia.
Cũng theo ông Sĩ, hiện chưa thấy các trường có báo cáo về vấn đề này.
“Đúng sai thế nào chúng tôi cũng chưa dám khẳng định. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại tại các trường, nếu có sự sai lệch sẽ làm báo cáo lên cấp trên”, ông Sĩ nói.
H.MINH (tổng hợp)