Báo VietNamnet dẫn lời TS Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn Nhân học - Tôn giáo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, tháng cô hồn kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30 tháng 7 âm lịch hàng năm. Quan niệm này có nguồn gốc từ Đạo giáo Trung Quốc, nơi tháng 7 âm lịch được gọi là "Quỷ tiết" hoặc "Thi cô", thời điểm để người dân cầu nguyện và cúng bái.
Dân gian Trung Quốc tin rằng cõi âm do Địa quan Đại đế cai quản. Tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày rằm, trùng với ngày sinh nhật của Địa quan Đại đế, cửa địa ngục sẽ mở để ma quỷ, vong hồn trở lại trần gian, mang theo tai ương và xui xẻo. Do đó, vào ngày Rằm tháng 7, người dân thường cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông để chỉ đường cho những linh hồn lang thang.
Tuy có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của tháng cô hồn, nhưng tất cả đều mang ý nghĩa nhân văn, đề cao lòng hiếu thảo và việc làm phúc.
Ở Việt Nam, dân gian quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng "Địa quan xá tội", khi các vong hồn được phép trở về dương thế. Vì vậy, người ta thường cúng cô hồn và các chùa tổ chức trai đàn chẩn tế cho những linh hồn vất vưởng.
Tháng 7 âm lịch cũng là dịp con cháu đi chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã khuất. Phong tục này khuyến khích con người mở rộng lòng từ bi, quan tâm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2024, tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch, nhằm ngày 4/8 đến 2/9 dương lịch.
Năm 2024, tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch, nhằm ngày 4/8 đến 2/9 dương lịch. Ảnh minh họa
Dưới đây là một số hoạt động người Việt thường làm trong tháng 7 Âm lịch:
Một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến nhất trong tháng 7 Âm lịch là lễ cúng cô hồn. Lễ cúng này thường được tổ chức vào ngày 14 hoặc 15 tháng 7 với mục đích cầu mong các linh hồn lang thang được no đủ, không quấy nhiễu gia chủ và mang lại bình an cho gia đình.
Mâm cúng cô hồn có sự khác biệt tùy theo phong tục tập quán của mỗi địa phương, nhưng thường bao gồm các món ăn truyền thống, trái cây và các vật dụng như giấy tiền, vàng mã. Một số gia đình còn chuẩn bị thêm cháo trắng, gạo và muối, những món ăn được cho là linh hồn ưa thích. Mâm cúng thường được bày biện trước cổng nhà, ngoài trời hoặc tại các điểm thờ cúng công cộng để mời gọi các linh hồn đến nhận lễ vật.
Một phong tục phổ biến khác trong tháng cô hồn là thả đèn hoa đăng và phóng sinh, nhằm cầu nguyện bình an và thể hiện lòng từ bi. Người dân thường thả đèn hoa đăng xuống sông, hồ với mong muốn mang lại ánh sáng và chỉ đường cho các linh hồn về nơi an nghỉ.
Phóng sinh là hành động giải thoát các sinh vật đang bị giam cầm, như cá, chim, rùa, về với môi trường tự nhiên. Đây là một việc làm thể hiện lòng từ bi, hướng thiện trong tháng cô hồn, mang ý nghĩa cầu phúc và giải trừ tai ương.
Tháng 7 Âm lịch không chỉ là tháng cô hồn mà còn là dịp để các gia đình sum họp, thể hiện lòng thành kính và tri ân đối với tổ tiên và người đã khuất. Bên cạnh việc viếng mộ, nhiều người còn tìm đến các chùa chiền để tham gia lễ Vu Lan báo hiếu, cầu siêu và hồi hướng công đức cho những linh hồn cô đơn.
Bên cạnh các hoạt động tâm linh, tháng cô hồn còn là dịp để mọi người thể hiện lòng nhân ái và thực hiện những hành động thiện nguyện như quyên góp, giúp đỡ những người nghèo khó hay có hoàn cảnh đặc biệt. Theo quan niệm của Phật giáo, những việc làm này không chỉ thể hiện lòng từ bi mà còn mang lại phúc đức cho người thực hiện.