Hãy cùng lắng nghe tâm sự của thám tử Lương Hiền Duy – Giám đốc công ty thám tử Lương Gia đang rất nổi tiếng trên mặt báo thời gian vừa qua.
Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề thám tử?
Thám tử là ngành nghề điều tra mà Duy luôn mong muốn theo đuổi từ những ngày còn bé, niềm đam mê ấy đã đãăn sâu vào tiềm thức của mình. Môi trường gia đình có thể là một trong những yếu tố khiến Duy đến với nghề này.
Chú của Duy hiện làm FBI ở thành Phố Los Angeles Bang California. Cô của Duy thì đang làm việc ở Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản và một phần Duy bị ảnh hưởng bởi phim và chuyện trinh thám từ lúc nhỏ, cho nên nên khi lớn lên Duy quyết định theo học ngành điều tra này.
Nghề thám tử tại Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao như ở nước ngoài. Vậy theo anh đâu là hạn chế khi theo nghề này tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, thám tử là tên gọi chung của nghề này, tại nước ngoài, thám tử là ngành điều tra làm việc cho chính phủ. Còn những người hành nghề thám tử như ở Việt Nam hiện nay được gọi là nghề điều tra tư nhân.
Ở nước ngoài, nghề điều tra tư nhân được xem là hợp pháp và rất phổ biến. Luật qui định rất rõ ràng về quyền hạn cho họ, người làm nghề này phải am hiểu luật của Liên Bang, phải tuân thủ các qui định và Quy ước đạo đức của nghề.
Riêng tại Việt Nam, hiện nay chỉ có vài công ty thám tử được hợp pháp và chưa có luật quy định cụ thể cho giới hạn điều tra. Việc tiếp cận với thông tin còn hạn chế vì chính phủ chưa quản lý con người bằng hệ thống điện tử hành chính như nước ngoài và người hành nghề thám tử chưa được cấp phép để truy cập thông tin trích xuất dữ liệu và đóng thuế.Duy cho rẳng đây là khó khăn và hạn chế lớn nhất khi hành nghề thám tử tại Việt Nam.
Thám tử Lương Hiền Duy. |
Được biết anh có ý tưởng sẽ thực hiện hoặc sản xuất những bộ phim về thám tử?Từ đâu anh có ý tưởng này?
Duy có ý tưởng từ chính ngay nghề của mình đang làm nhằm mục đích ca ngợi và đề cao một ngành nghề mới hiện nay đang được xã hội chấp nhận. Trước đây, Duy đã từng xem bộ phim “Thám tử tư” do đài HTV7 sản xuất và Duy thấy đề tài này kích thích sự tò mò cũng như thị hiếu của người xem, trong đó có Duy.
Từ đó, Duy đã manh nha ý tưởng sẽ thực hiện hoặc sản xuất những bộ phim thám tử của chính mình. Duy muốn tự mình sẽ lên ý tưởng kịch bản cũng như chỉ đạo diễn xuất theo đúng những gì mình đang làm hàng ngày. Hy vọng ý tưởng này sẽ được nhiều người ủng hộ.
Anh đánh giá thế nào về những bộ phim Việt về đề tài thám tử trước đây?
Thật ra phim cho thể loại thám tử trước giờ của Việt Nam sản xuất rất ít.Duy nhớ không lầm thì chỉ đài HTV7 của thành phố Hồ Chí Minh và Hãng phim truyện IHà Nội mỗi bên sản xuất được một bộ, còn lại là phim thám tử hài.
Nhìn chung, phim Việt Nam sản xuất như vậy cũng khá ấn tượng nhưng cần phải thực tế hơn cho đúng với nghiệp vụ của thám tử hiện nay. Bởi vì người biên kịch không phải là một thám tử thực thụ nên khi hư cấu phần nghiệp vụ và qua sự diễn xuất của diễn viên thì không sát với thực tế của thám tử hiện tại.
Thám tử ngày nay không phải là cảnh sát mà cũng không quá nghiệp dư, họ rất chuyên nghiệp và nhạy bén trong cách điều tra, có nghiệp vụ tốt, nghề này đôi lúc đòi hỏi họ phải giỏi về công nghệ thông tin để tìm người bỏ trốn…
Hạn chế của dòng phim này trong bối cảnh Việt Nam hiện nay?
Duy nghĩ không có hạn chế, nếu biết cách khai thác tốt về nội dung lẫn hình thức quảng cáo thì sẽ tạo ra một bộ phim hay, thu hút được sự tò mò, gây chú ý đối với người xem. Khán giả hiện nay đã nhàm chán với các thể loại quen thuộc, vì thế chúng ta cần phải có cái mới để cung cấp cho họ.
Dòng phim thám tử luôn được yêu thích trên thế giới, vấn đề là khán giả Việt Nam có chịu chấp nhận hay không.Duy tin nếu khán giả mở lòng để đón nhận dòng phim này ở Việt Nam thì sẽ chẳng có hạn chế nào cả.
Những bộ phim của anh thực hiện hoặc tham gia có đòi hỏi phải thật sự có nhiều pha võ thuật hay và thật như các phim có sự tham gia của Johnny Trí Nguyễn hay không?
Nếu Duy tham gia phim hoặc làm phim về lĩnh vực này, Duy cũng mong sẽ có những pha hành động võ thuật thực và sống động như vậy. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào kinh phí và đạo diễn làm phim.
Phim có Johnny Trí Nguyễn tham gia thường có rất nhiều pha võ thuật đẹp mắt, còn phim của Duy sẽ tập trung vào nghiệp vụ điều tra của thám tử pha chút hài hước xen kẽ võ thuật. Đây là ý tưởng mà Duy đã nung nấu từ rất lâu.
Để đầu tư loạt phim về đề tài thám tử, anh đã chuẩn bị cho mình những gì?
Đây chỉ là bước đầu của dự tính, còn phải phụ thuộc vào tương lai. Vì hiện nay công việc của công ty Duy rất nhiều, Duy vẫn đang dành chút ít thời gian để nghiên cứu thể loại kịch bản có nội dung phù hợp và cần tham khảo nhiều ý kiến.
Chắc chắn, Duy sẽ không làm phim một cách hời hợt, mà sẽ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bắt tay vào làm, bởi bản thân Duy cũng không thích sự hời hợt, đã làm thì phải làm cho tốt, còn nếu không Duy sẽ không làm.
Thời gian gần đây, loạt bài viết về chủ đề ngoại tình do công ty anh thụ lý được đăng tải trên rất nhiều trang báo. Anh có ý định sẽ đưa những nguyên mẫu này vào phim của mình hay không?
Điều tra hôn nhân là dịch vụ đắt hàng nhất trong các loại dịch vụ mà công ty Duy đang cung cấp.Bên cạnh đó, công ty Duy vẫn có các loại hình điều tra khác nặng chất hình sự như thời gian qua một số báo đã đưa tin. Nếu biết kết hợp cả hai vào phim, Duy nghĩ sẽ tăng thêm hấp dẫn cho bộ phim.
Qua đây, Duy cũng xin gửi lời cảm ơn tới quý độc giả đã theo dõi những vụ ngoại tình được đăng trên báo của công ty Duy.
Dòng phim này còn khá lạ lẫm tại Việt Nam, hơn nữa thể loại này thường kén người xem, chắc chắn khán giả sẽ có sự so sánh phim với các nước khác trên thế giới. Anh có sợ sẽ thất bại hay không?
Như đã nói ở trên. Nếu biết khai thác phần nội dung phim và quảng cáo tốt sẽ không kén người xem. Phim Việt Nam, trước tiên phải phục vụ cho người Việt Nam. Nếu khán giả đã chọn xem phim Việt Nam thì Duy nghĩ khán giả vẫn vui vẻ chấp nhận và không thể so sánh bằng phim nước ngoài.
Chuyện bị so sánh là điều hiển nhiên, cái gì mới và lạ thì chắc chắn sẽ phải trải qua những đánh giá, so sánh, thậm chí tranh cãi, Duy không ngại chuyện này, bởi có so sánh đồng nghĩa với việc khán giả chịu bỏ thời gian, tiền bạc để xem phim của mình. Chính nhờ những góp ý của khán giả mình sẽ nhận ra được điểm mạnh và yếu của bộ phim, để từ đó có những tác phẩm hoàn thiện hơn.
Nếu khán giả vui vẻ nhiệt tình ủng hộ sẽ ít thất bại.
Anh dự định sẽ xây dựng trong bao nhiêu tập và anh có thể bật mí kế hoạch của mình?
Nếu là phim truyền hình thì không thể xây dựng 1 tập, nhưng nếu phim chiếu rạp thì sẽ 1 tập. Duy thì thích thể loại phim chiếu rạp để phục vụ vào các dip tết. Thay đổi cái thị hiếu mới cho khán giả trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, nếu nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả thì Duy sẽ bắt tay nghiên cứu kịch bản phim truyền hình. Đương nhiên, nội dung của phim truyền hình sẽ phải chi tiết, cụ thể, hấp dẫn hơn thì mới có thể kéo người xem ngồi trước màn hình từ tập đầu tiên cho đến tập cuối cùng.
Đây chỉ là dự tính, còn hiện thực hóa được hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của người xem. Trước tiên, Duy sẽ thực hiện tốt dự án cho phim chiếu rạp, hy vọng, mọi người sẽ ủng hộ Duy.
Chúc anh sẽ thành công với những dự án của mình!