Nguyễn Thị Hoàng Oanh - nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành và 10 bị cáo khác bị đưa ra xét xử. Trong đó có 6 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội tham ô tài sản với khung hình phạt lên đến tử hình.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, sáng 17/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản, đưa và nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành).
Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành) và 10 bị cáo khác bị đưa ra xét xử. Trong đó có 6 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội tham ô tài sản với khung hình phạt lên đến tử hình.
Agribank Bến Thành tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Theo báo Vnexpress, kết quả điều tra xác định, tháng 8/2008, bà Oanh sử dụng tên của nhiều người thân làm giả 7 hồ sơ rồi chỉ đạo cấp dưới hoàn tất thủ tục vay 2.360 lượng vàng của Agribank chi nhánh Bến Thành.
Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 17/3 - Ảnh: Ngọc Dương/ Thanh Niên |
Số vàng này bà Oanh dùng mua căn nhà trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cho con gái đứng tên, cho Agribank thuê mở phòng giao dịch với giá 5.800 USD mỗi tháng. Trong thương vụ này, bà ta bỏ túi 5,6 tỷ đồng.
Để có tiền trả nợ, bà Oanh chỉ đạo em rể Trương Thế Thanh (trưởng phòng tín dụng) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể bà Oanh) và một số doanh nghiệp khác vay vàng của Agribank. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, bà Oanh còn nợ 2.060 cây vàng.
Giám đốc Agribank Chi nhánh Bến Thành còn bị cho là ký duyệt để em rể vay 13 tỷ đồng đầu tư bất động sản. Thời gian bị điều tra, ông này chết vì bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, bà Oanh bị cáo buộc nhận hối lộ của giám đốc Tính 24 tỷ đồng để giúp ông này vay hàng nghìn lượng vàng của nhà băng, sau đó chiếm đoạt.
Nhà chức trách xác định, năm 2009 ông Tính làm quen với bà Oanh, nói có nhiều dự án khai thác vàng bên Campuchia, xây dựng nhà... đề nghị giám đốc chi nhánh ngân hàng cho vay vốn.
Dù hồ sơ của ông ta không hợp lệ nhưng bà Oanh đồng ý với điều kiện "vay vàng nhưng nhận bằng tiền". Tổng cộng, ngân hàng giải ngân cho ông Tính 4.350 cây vàng và 28 tỷ đồng (tương tương hơn 137 tỷ đồng). Nhưng mỗi lượng bị tính thấp hơn giá thực tế 2 triệu đồng nên thực tế ông Tính chỉ nhận hơn 112 tỷ. Thông qua việc cho Tính vay, bà Oanh đã nhận hối lộ hơn 24,6 tỷ đồng còn lại.
Số tiền này ông Tính không sử dụng đúng mục đích mà cho nhiều người vay lại lấy lãi cao hơn và đầu tư bất động sản dẫn đến không có khả năng thu hồi.
Để che giấu sai phạm, khi biết giám đốc Tính không có khả năng trả nợ, bà Oanh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục cho ông ta vay để lấy tiền đảo nợ. Hiện, ông Tính còn nợ Agribank Bến Thành hơn 36 tỷ đồng và hơn 5.600 cây vàng (tương đương 301 tỷ đồng).
Theo báo Tri thức trực tuyến, phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Ngọc làm chủ tọa, dự tính kéo dài đến ngày 31/3.
Điều 278. Tội tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp