Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nam bệnh nhân có địa chỉ ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội). Gia đình cho biết trước khi khởi phát bệnh 2 ngày, anh có tham gia giết mổ và ăn thịt lợn ốm. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn nhiều, kích thích vào được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
Vi khuẩn Streptococcus suis có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua ăn thịt heo chưa chế biến chín hoặc qua tiếp xúc với heo nhiễm bệnh qua các vết thương hở trên da. Ảnh minh họa
Theo VietNamNet, tại đây, bệnh nhân được chọc dịch não tủy và xét nghiệm cho kết quả, dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Sau khi được điều trị và chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định, chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì tiếp tục điều trị, theo dõi.
CDC Hà Nội cho biết đây là trường hợp thứ 4 nhiễm liên cầu lợn trong năm nay trên địa bàn thành phố. Hồi tháng 6, cơ quan này thông tin chỉ 1 tuần, thành phố ghi nhận 2 ca bệnh tương tự.
Các bác sĩ cản báo, vi khuẩn Streptococcus suis có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua ăn thịt heo chưa chế biến chín hoặc qua tiếp xúc với heo nhiễm bệnh qua các vết thương hở trên da... Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng ngừa nên người dân cần tuyệt đối tuân thủ ăn chín uống sôi; không ăn heo chết, heo bệnh, các chế phẩm từ heo chưa được nấu chín, nhất là tiết canh heo.
Việt Nam là nước nông nghiệp nên việc chăn nuôi, giết mổ heo là không thể hạn chế. Do đó, trong quá trình tiếp xúc với heo, người dân nên đặc biệt chú ý đeo găng tay và khẩu trang, thông tin trên báo Phụ nữ TP.HCM.