Một phân tích về cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (ứng viên đảng Dân chủ) đã xóa bỏ lợi thế của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (ứng viên đảng Cộng hòa) trong nhóm cử tri thuộc giới trung lưu lớn của Mỹ: cư dân ngoại ô và hộ gia đình có thu nhập tầm trung.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chiến dịch tái tranh cử vào ngày 21/7, bà Harris đã vươn lên dẫn đầu ở cả hai nhóm nhân khẩu học lớn này, từ đó hồi sinh triển vọng của đảng Dân chủ trong Ngày Bầu cử 5/11 dù cuộc đua giữa hai ứng viên vẫn rất sít sao.
Những người sống tại vùng ngoại ô - chiếm khoảng một nửa số cử tri Mỹ và có sự đa dạng về chủng tộc – là nhóm cử tri quan trọng. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông Biden đã dẫn trước ông Trump khoảng 6 điểm phần trăm tại các quận ngoại ô.
Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện vào tháng 6 và tháng 7, trước thời điểm ông Biden dừng chiến dịch tái tranh cử, cựu Tổng thống Trump lại đang dẫn trước ông 3 điểm phần trăn (43% so với 40%) ở nhóm những người sống tại vùng ngoại ô.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: CNN
Bà Harris bắt đầu thu hẹp khoảng cách khi khởi động chiến dịch tranh cử vào tháng 7, sau đó dẫn trước ông Trump 6 điểm phần trăm (47% so với 41%) ở nhóm các cử tri ngoại ô trong các cuộc thăm dò vào tháng 9 và tháng 10.
Theo phân tích của 6 cuộc thăm dò mà Reuters/Ipsos thực hiện, bao gồm phản hồi từ hơn 6.000 cử tri đã đăng ký, điều đó cho thấy sự thay đổi 9 điểm có lợi cho đảng Dân chủ.
Trong cùng các khoảng thời gian như trên, từ vị trí dẫn trước ông Biden (44% so với 37%) trong số các cử tri trong những hộ gia đình với mức thu nhập từ 50.000 – 100.000 USD, ông Trump bị bà Harris dẫn trước 2 điểm phần trăm (43% so với 45%). Các số liệu có biên độ sai số khoảng 3 điểm phần trăm.
Các cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy cử tri coi nền kinh tế là vấn đề hàng đầu trước cuộc bầu cử. Trong một cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 10, 46% cử tri cho biết ông Trump là ứng cử viên tốt hơn cho nền kinh tế, nhiều hơn 8 điểm phần trăm so với 38% của bà Harris.
Cũng theo các cuộc thăm dò, ông Trump được cho là ứng viên đáng tin cậy hơn về vấn đề nhập cư và tội phạm. Hồi tháng 8, cựu Tổng thống Mỹ đã nói với những người ủng hộ rằng ông là ứng viên sẽ giữ cho các vùng ngoại ô an toàn và đảm bảo rằng những người di cư vượt biên trái phép sẽ được "giữ tránh xa các vùng ngoại ô".
Ông Trump đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Biden về tình trạng lạm phát gây tổn hại tới giới trung lưu của Mỹ. Trong khi đó, bà Harris đã tập trung nhiều vào các bài phát biểu của mình về các cam kết tăng quy mô của giới trung lưu. Cử tri cũng thường chọn bà Harris trong những cuộc thăm dò về ứng cử viên tốt hơn cho việc bảo vệ nền dân chủ và phản đối chủ nghĩa cực đoan chính trị.
“Việc bà Harris tập trung vào khả năng chi trả đã đem lại hiệu quả tốt trong việc thu hẹp lợi thế của ông Trump về lạm phát và nền kinh tế”, ông David Wasserman - một nhà phân tích chính trị tại Cook Political Report nêu ý kiến.
Dù vậy, ông lưu ý tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các khu vực thành thị thiên về đảng Dân chủ và các thị trấn nông thôn thiên về đảng Cộng hòa cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cuộc bầu cử.
Việc dẫn trước ở nhóm cử tri thuộc giới trung lưu, dù trên cả nước hay tại các bang quan trong của cuộc bầu cử, không chắc sẽ giúp người đó thắng cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton (ứng viên đảng Dân chủ) giành được nhiều hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu bầu trên toàn quốc và dẫn trước ông tại các quận ngoại ô khoảng 1 điểm phần trăm nhưng vẫn không đắc cử tổng thống, khi ông Trump lật ngược tình thế ở 6 bang đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vào năm 2012.