Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thảm án đau lòng từ chứng trầm cảm sau sinh: Nguyên nhân do đâu?

(DS&PL) -

Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh thường gặp. Phụ nữ nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Kết quả những thảm án đã bắt nguồn từ chính c

Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh thường gặp. Phụ nữ nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Kết quả những thảm án đã bắt nguồn từ chính căn bệnh nguy hiểm này xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại.

Những vụ án đau lòng

Mới đây, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị này đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Thị Xuân Nhi (25 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) để điều tra về hành vi giết người.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 18h ngày 13/2, nhiều người dân sống xung quanh nhà Trần Thị Xuân Nhi hốt hoảng thấy chị này đang bế con trai 5 tháng tuổi trong tình trạng người bé có nhiều vết máu, tay Nhi đang cầm một con dao.

Người dân vội hô hoán đồng thời xông vào giải cứu bé nhưng khi đưa được bé ra khỏi tay Nhi thì bé đã tử vong.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé là do vết thương sọ não hở, xuất huyết não, dập não nghi do vật sắc nhọn tác động vào dẫn đến tử vong.

Theo phán đoán bước đầu của cơ quan điều tra, nhiều khả năng nguyên nhân chị Nhi giết chết con ruột của mình do bị trầm cảm sau khi sinh.

Đây không phải vụ án đầu tiên liên quan đến vấn đề trầm cảm gây ra mà trước đó từng có khá nhiều vụ việc đau lòng.

Trước đó, vụ việc người mẹ trẻ sát hại con 33 ngày tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng.

Ngày 14/6/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết, nghi phạm gây ra cái chết của cháu A. (33 ngày tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) là P.T.T (SN 1998), mẹ đẻ của cháu bé.

Phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh - Hình minh họa

Khoảng 2h sáng ngày 12/6/2017, nghe tiếng con khóc, thấy có chậu nước hằng ngày tắm cho con đầy nước, người mẹ trẻ liền thả cháu A. vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu rồi đi vào nhà vệ sinh. Sau đó, T. đi lên phòng ngủ ở tầng 2 thì thấy cục than hoa liền sử dụng viết dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày L.” trước khi trở lại giường ngủ.

Sáng cùng ngày, ông L. (bố chồng T.) tỉnh giấc thì phát hiện cháu A. tử vong.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do P.T.T mắc bệnh trầm cảm nặng nên có những suy nghĩ tiêu cực.

Vào đầu năm 2017, một vụ án đau lòng không kém diễn ra tại xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội vào mùng 3 tết Đinh dậu (tức ngày 31/1) được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến ai đọc được cũng chua xót trước thảm cảnh gia đình chị Đào Thị H. (SN 1990).

Vợ chồng chị H. năm 2011 đã có với nhau một bé gái. Nhưng đến khi sinh cháu bé cuối năm 2016 thì người mẹ có biểu hiện trầm cảm sau sinh. Bác sĩ từng cảnh báo người thân tách hai mẹ con. Người mẹ không có sữa nên bé trai phải bú sữa ngoài và ngủ với bà nội. Còn chị này ngủ riêng.

Tuy nhiên, ngày mùng 3 Tết nhà có khách, nhân lúc mọi người ăn uống, trò chuyện, người mẹ đã bế con trai xuống nhà sau và giết hại đứa bé. Sau đó chị H. nhảy xuống giếng tự tử nhưng không chết.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Trao đổi trên báo chí, TS. Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho hay, nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh là do: “Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và chất dưỡng thai, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc.

Một điều đáng lưu tâm là, ngay trong tuần đầu sau khi sinh, tất cả phụ nữ đều xuất hiện hội chứng “Ngày thứ 3 sau sinh” với những biểu hiện như mất ngủ, căng thẳng, suy nghĩ linh tinh, lo lắng về khả năng chăm có con.

Nếu trong khoảng thời gian này, các bà mẹ nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình đặc biệt là người chồng thì những tình trạng trên sẽ giảm và nội tiết tố trong cơ thể dần cân bằng.

Tuy nhiên, nếu không được quan tâm, động viên, chia sẻ thì tình trạng này sẽ dần một nặng thêm và sẽ xuất hiện những hành động gây hại cho cả bản thân và những người xung quanh”.

Trầm cảm sau sinh được chia làm 3 dạng, trầm cảm nhẹ, trầm cảm trung bình và trầm cảm nặng. Ở trầm cảm sau sinh nặng có 2 trường hợp là trầm cảm nặng không loạn thần và trầm cảm nặng có loạn thần.

TS. Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Loại trầm cảm nặng có loạn thần đặc biệt nguy hiểm, một số bệnh nhân xuất hiện các hiện tượng hoang tưởng hoặc ảo thanh. Những hiện tượng hoang tưởng thường xảy ra đối với đứa con, họ cho rằng đứa con là tội lỗi, hay cho rằng chồng đi ngoại tình….

Trong khi đó, những hiện tượng ảo thanh thường các bệnh nhân sẽ cảm thấy có tiếng nói xui mình giết con, giết chồng…. Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị rất có thể các bà mẹ sau sinh sẽ có những hành động tự gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

Theo bác sĩ Phương, đối với những người mắc trầm cảm dưới 6 tháng sẽ được các bác sĩ điều trị tích cực 6 tháng và điều trị duy trì trong khoảng 18 tháng.

Đối với người mắc trầm cảm trên 6 tháng sẽ được các bác sĩ điều trị tích cực từ 6 tháng đến 1 năm và điều trị duy trì từ 3-5 năm.

Bênh nhân có thể khỏi hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường nếu được bác sĩ điều trị đúng phương pháp, uống thuốc đúng giờ, đầy đủ và đặc biệt môi trường sống hòa nhập.

Tuy nhiên, nếu phương pháp điều trị không đúng, bệnh nhân không tuân thủ giờ uống thuốc hay liều lượng uống thì rất có thể bệnh sẽ tiếp tục tái phát. Bởi theo số liệu thống kê, 60-80% bệnh nhân có thể tái phát trầm cảm nếu không được điều trị đúng cách.

Điều đặc biệt, theo nghiên cứu những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong thời kỳ mang thai. Các bác sĩ có thể phát hiện những phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa được bệnh này.

Quan trọng nhất là mọi người nhận biết được các yếu tố nguy cơ và xin tư vấn bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ thay đổi tâm trạng trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai. Thói quen lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.

Theo bác sĩ Phương, để tránh tình trạng các bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh thì gia đình và người chồng là một trong những yếu tố rất quan trọng.

Gia đình cần quan tâm, chia sẻ với họ, động viên tinh thần để các bà mẹ ổn định tâm lý. Đặc biệt, với các bà mẹ trẻ, lo lắng buồn phiền là điều bình thường, không có gì phải xấu hổ, đừng che giấu những mối lo và băn khoăn mà hãy chia sẻ với người thân để có biện pháp tốt nhất.

Mắc bệnh trầm cảm sau sinh không phải lỗi của bạn. Tự chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ. Nếu gặp bất kỳ cảm xúc buồn chán đau khổ, người mẹ cần yêu cầu trợ giúp từ các bác sĩ, gia đình và bạn bè.

Mặc dù không có biện pháp nào tránh được trầm cảm sau sinh, nhưng vẫn có cách để bảo vệ sức khỏe tâm sinh lý và làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngay khi đang mang thai, nếu cảm thấy chán nản hoặc có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, hãy thực hiện ngay những thói quen lành mạnh để giảm bớt nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.

Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản.

Trao đổi trên báo chí, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (phòng khám nhi đồng TP.HCM) cho rằng : "Phụ nữ sau khi sinh con nếu gặp những chuyện buồn bực trong cuộc sống thường dễ sinh chán nản, lo sợ dẫn đến trầm cảm. Khi bị trầm cảm sau sinh, người mẹ dễ sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, dễ có hành vi nguy hiểm.

Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử lên đến 41.2%. Chính vì vậy khi phát hiện người phụ nữ có những biểu hiện bồn chồn, lo lắng, mất ngủ hay cáu gắt hoặc thờ ơ lãnh đạm bất cần thì nên đưa họ đến bác sỹ để khám và tìm hiểu nguyên nhân điều trị càng sớm càng tốt. Vì lúc này chỉ có bác sỹ mới có thể giúp họ và gia đình biết cách để giải quyết triệt để vấn đề".

Bên cạnh đó chuyên gia cũng cho rằng sở dỹ hiện nay căn bệnh trầm cảm ngày càng xuất hiện nhiều, vì không ít phụ nữ kết hôn khi còn quá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống do đó khi mang thai, sinh con họ gặp áp lực lớn.

Việc chăm sóc con nhỏ trở thành gánh nặng, rào cản khiến họ không thể quay lại cuộc sống sinh hoạt tự do thoải mái như trước dẫn đến sự bức bối về mặt tinh thần. Vì vậy gia đình cần quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ nhiều hơn đề giúp người phụ nữ cân bằng lại cuộc sống.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật