Nhờ quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, trang trại có hơn 1.000 con lợn nái, mỗi năm, cung cấp cho thị trường hơn 10.000 con lợn giống, lợn thương phẩm và gần 350 tấn rau sạch các loại.
Trao đổi với đồng chí Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, ông Hoàng Chí Lượng cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm, vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690 ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285 ha tại các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... "Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cho giá trị thu nhập cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa…”.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thạch thất là huyện nông thôn mới
Mặc dù, việc phát triển nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hiện diện tích chuyển đổi tại một số địa phương còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản chưa phát triển; đầu ra nông sản còn bấp bênh...Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, huyện Thạch Thất đang tìm các giải pháp, nhằm tạo điều kiện cho các trang trại mở rộng sản xuất, chăn nuôi như: Tạo quỹ đất sạch tại vùng quy hoạch tập trung để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, huyện cũng từng bước đẩy mạnh vai trò là khâu trung gian kết nối doanh nghiệp với người dân trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc...
Định hướng phát triển trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống kênh mương, nhà bảo quản, sơ chế tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung. Từ nay đến năm 2025, Thạch Thất triển khai thực hiện 8 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Đại Đồng, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Phú Kim. Cùng với đó, Thạch Thất tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập...
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng báo cáo kết quả Nông thôn mới của huyện
Đối với các tiêu chí của huyện nông thôn mới, đến nay, huyện Thạch Thất có 07 tiêu chí đạt, 02 tiêu chí cơ bản đạt. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 100% diện tích gieo cấy bằng giống lúa năng suất, chất lượng, năng suất lúa bình quân năm 2019 đạt 62,7 tạ/ha. Huyện cũng đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt 98%.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư quy mô vừa và nhỏ ở các xã: Yên Trung, Yên Bình, Đồng Trúc, Bình Yên, Tân Xã, Cần Kiệm. Đến nay, toàn huyện có 05 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, 06 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Ngoài ra, toàn huyện có 700ha diện tích cây ăn quả các loại. Huyện đặt mục tiêu, đến tháng 8/2020, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố, Ban Chỉ đạo Trung ương xét công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới.
Mô hình rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đối với công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, huyện đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, thành phố; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phun hóa chất khử khuẩn tại các trường học; giám sát chặt chẽ, theo dõi và cách ly lao động là người nước ngoài tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với vi rút corona.
Đặc biệt, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", huyện tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, cũng như các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, phát triển nông nghiệp. Huyện cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân để duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Không chỉ vậy, huyện còn triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình như mô hình nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con), trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12 ha ở xã Yên Bình, 15 ha ở xã Yên Trung; trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, trồng hoa lily 12 ha, trồng hoa đồng tiền và một số loại hoa khác ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân; 06 mô hình sản xuất theo chuỗi điển hình như: Mô hình sản xuất 10 ha rau an toàn và mô hình trồng 15 ha khoai tây vụ xuân làm giống của HTX nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con lợn thương phẩm ở xã Bình Yên; mô hình chuỗi sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu... các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm.Theo đó, trên cơ sở rà soát, huyện Thạch Thất đã lựa chọn chỉ tiêu 6.2 là có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, nhất trí cao của nhân dân nên huyện tổ chức hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Những vùng sản xuất chuyên canh của Huyện phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã hỗ trợ huyện kinh phí để thực hiện mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học hỗ trợ cho vùng sản xuất rau, hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Huyện sẽ tiếp tục củng cố phát huy thế mạnh của vùng và tập trung phát triển thế mạnh chủ lực của vùng. Trong đó, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã được quy hoạch. Vùng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu tại các xã với quy mô 367 ha.
Trong thời gian tới, huyện hướng đến đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, điện, hệ thống kênh tưới, tiêu và nhà bảo quản, sơ chế, hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hoa. Tập trung xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rau, cây ăn quả thế mạnh của huyện. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi canh tác sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả theo khu đã quy hoạch, tạo điều kiện vay vốn cho nông dân. Từng bước định hướng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Duy trì ổn định và phát triển các vùng chăn nuôi trọng điểm.
Minh Thu