Công tác tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích trên tàu Phúc Xuân vẫn đang tiếp tục được triển khai (Ảnh Dân trí). |
Theo tin tức trên báo Dân trí, tại cuộc họp bàn phương án lặn tìm 8 thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu Phúc Xuân 68, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) tiếp tục duy trì lực lượng tìm kiếm và tập trung vào vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu vì khả năng 8 thuyền viên bị trôi dạt xuống đây.
Ông Nhật cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã liên hệ với một số công ty, đơn vị lặn biển ở trong nước để lặn tìm các thuyền viên. Tuy nhiên, tàu Phúc Xuân 68 bị đắm độ sâu trên 90m nên chưa có đơn vị nào đảm nhận do khả năng của họ là chỉ lặn dưới 50m.
Theo ông Nhật, Công ty Svitzer là công ty chuyên lặn biển hàng đầu của Hà Lan khi được Cục Hàng hải đặt vấn đề thì họ cũng từ chối sau khi được mô tả về độ sâu và điều kiện thời tiết có gió mùa trên biển.
Thông tin trên báo Giao thông vận tải, công ty này cho hay, cho dù các thợ lặn chuyên nghiệp được trang bị bình dưỡng khí và quần áo lặn chuyên dụng cũng không thể tiến hành công tác tìm kiếm dưới độ sâu 90 mét. Thay vào đó, Svitzer đưa ra phương án duy nhất là sử dụng tàu lặn chuyên dụng (có thể hoạt động lâu ngày dưới độ sâu từ 100 đến 200 mét) với đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp để tiến hành tìm kiếm.
Về thời gian tìm kiếm, theo Svitzer, không dám đảm bảo chắc chắn là thời gian bao lâu vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Độ sâu nơi tàu chìm, điều kiện thời tiết, dòng chảy, vị trí chính xác của tàu (phải xác định lại vị trí vì có thể tàu đã bị trôi dạt xa vị trí chìm ban đầu), tư thế tàu chìm (nằm úp, nằm nghiêng thì thợ lặn khó triển khai công tác dò, tìm hơn nằm ngửa…). Do đó, việc tính toán chi phí hiện nay cũng chưa thực hiện được.
Trao đổi về phương án lặn tìm 8 thuyền viên mất tích, ông Lương Minh Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH trục vớt cứu hộ Hi Trâm (TP HCM) cho rằng ở độ sâu của tàu Phúc Xuân 68 không thể thực hiện bằng phương pháp lặn thông thường. Trên thế giới, ở độ sâu trên 60m thì người ta phải dùng đến hệ thống lặn bảo hòa. Dù vậy ở Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống này, muốn dùng phải thuê từ nước ngoài.
Tuy nhiên, để hệ thống này thực hiện được thì sóng gió trên biển phải êm ả bởi khi hệ thống hoạt động thì nguyên tắc phải đứng yên, không cho phép dao động, di chuyển trên mặt biển. Trong khi đó, trên vùng biển tàu bị nạn đang có gió mùa sóng cấp 4 cấp 5, do đó “hệ thống lặn bảo hòa không thực hiện được”, ông Trí nói.
Do đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc thuê thợ lặn hoặc tàu lặn cần được nghiên cứu, cân nhắc một cách cẩn trọng nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động lặn.