Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tàu lặn Titan không có hộp đen, làm cách nào để xác định nguyên nhân gây nổ?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Đội điều tra sẽ thu thập mọi mảnh vỡ có thể để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ nổ tàu lặn Titan, cũng như việc những người liên quan đã có thể làm gì để ngăn chặn sự cố.

Tàu lặn Titan mất tích vào sáng ngày 18/6 khi đưa 5 người đi tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km. Sau 5 ngày nỗ lực tìm kiếm, Chuẩn Đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger thông báo, toàn bộ 5 hành khách đã tử vong trong một vụ nổ thảm khốc của tàu lặn. 

Cụ thể, tại cuộc họp báo ở thành phố Boston (bang Massachusetts) vào chiều 22/6, ông John Mauger cho biết, sáng cùng ngày, phương tiện tự hành dưới nước triển khai từ một con tàu của Canada phát hiện đám mảnh vỡ từ tàu lặn Titan cách mũi xác tàu Titanic khoảng 488m, ở độ sâu 4.000m ở Bắc Đại Tây Dương.

Theo các quan chức, 5 mảnh vỡ chính của tàu lặn dài 6,7m đã được tìm thấy trong đám mảnh vỡ còn sót lại sau khi tàu bị phân tách. "Đây là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt dưới đáy biển và các mảnh vỡ cho thấy con tàu đã trải qua một vụ nổ thảm khốc", ông Mauger nói.

Hình ảnh tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Hiện tại, các nỗ lực cứu hộ chuyển hướng sang tìm hiểu nguyên nhân gây sự cố. Ông Ryan Ramsey - cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh chia sẻ, để trả lời câu hỏi tại sao sự cố xảy ra và những người liên quan đã có thể làm gì để ngăn chặn nó, các nhà chức trách sẽ thu thập mọi mảnh vỡ có thể.

"Tàu lặn không có "hộp đen" nên bạn sẽ không thể tìm ra những dấu vết cuối cùng liên quan tới chuyển động của tàu. Nếu có hộp đen thì tiến trình điều tra sẽ tương tự một vụ tai nạn máy bay", ông Ramsey cho hay.

Sau khi đưa những mảnh vỡ lên bờ, đội điều tra sẽ tìm kiếm cấu trúc nứt vỡ trong cấu trúc sợi carbon. Đây chính là “chìa khóa” giúp họ biết được chuyện gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng của tàu lặn Titan.

Mỗi mảnh vỡ sẽ được kiểm tra cẩn thận dưới kính hiển vi để xem xét hướng của sợi carbon, tìm kiếm những vết rách giúp xác định vị trí chính xác xảy ra nứt vỡ.

Theo Giáo sư Blair Thornton tại Đại học Southampton, đội điều tra sẽ phải cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi liệu nguyên nhân dẫn đến vụ nổ có phải do lỗi cấu trúc hay không. Nếu đúng như vậy thì tàu lặn đã phải chịu áp suất cực kỳ cao, tương đương với trọng lượng của tháp Eiffel.

"Chúng ta đang nói về một vụ nổ rất mạnh của phần vỏ chính", BBC dẫn lời Giáo sư Thornton.

Một câu hỏi quan trọng khác là nếu điều này thực sự xảy ra, nguyên nhân liệu có phải do thiếu sự kiểm tra, thử nghiệm toàn diện như một số chuyên gia nhận định trước đó hay không.

"Sợi carbon bị phá hỏng do các lỗi bên trong cấu trúc", Giáo sư Roderick A Smith tại Học viện Hoàng gia London chia sẻ.

Vị chuyên gia cho rằng, các mối nối giữa sợi carbon và titanium cần được điều tra thật cẩn thận. Sự dữ dội của vụ nổ đồng nghĩa với việc có thể rất khó xác định trình tự của các sự kiện, vì thế cần trục vớt và kiểm tra cẩn thận nếu được.

Hiện tại, chưa rõ cơ quan nào sẽ đứng đầu cuộc điều tra do chưa có bộ quy tắc nào cho những sự cố như vậy với tàu lặn. Theo Chuẩn đô đốc Mauger, sự việc đặc biệt phức tạp vì xảy ra ở một vùng biển xa xôi và liên quan đến nhiều người với nhiều quốc tịch khác nhau. Đến nay, lực lượng tuần duyên Mỹ đã đóng vai trò quan trọng nên có thể sẽ tiếp tục như vậy.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật