Theo tạp chí Mekong Asean, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến tổ chức trực tuyến vào ngày 26/8 tới. Đại hội nhằm thông qua báo cáo tài chính công ty mẹ, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; danh sách thành viên Ủy ban Kiểm toán thuộc HĐQT và một số vấn đề khác.
Tập đoàn Hòa Bình lên phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ. Ảnh: eTime
Về phát hành cổ phiếu, HBC trình cổ đông 3 phương án, với tổng khối lượng tối đa là 274 triệu cổ phiếu. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi từ hơn 2.741 tỷ đồng lên mức hơn 5.481 tỷ đồng.
Phương án 1, HBC dự kiến phát hành tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp cho các chủ nợ của công ty, nhằm hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1 (tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm).
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất như kế hoạch, Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ.
Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình. Về phía Hòa Bình, giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.
Phương án thứ 2, công ty dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với tối đa 120 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cp. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất, công ty sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng từ thương vụ này. Theo Hòa Bình, số tiền thu được sẽ được công ty dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.
Phương án thứ ba, HBC sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 2 cho các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với tối đa 47 triệu cổ phiếu, giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cp, dự thu 564 tỷ đồng. Số tiền thu được này dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Thời gian dự kiến là sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất 6 tháng.
Về kết quả kinh doanh quý II/2023, theo chuyên trang eTime, Tập đoàn Hòa Bình ghi nhận doanh thu giảm 45%, còn 2.297 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng ghi nhận sự sụt giảm với 49%, đạt 93 tỷ đồng, do lãi bán các khoản đầu tư chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.
Chi phí tài chính tăng nhẹ 2%, lên hơn 142 tỷ đồng. Chi phí quản lý tăng mạnh tới 190% lên 435,8 tỷ đồng. Việc chi phí quản lý tăng mạnh chủ yếu do Công ty phải trích lập dự phòng hơn 317 tỷ đồng dành cho các khoản nợ phải thu khó đòi.
Điểm sáng trong quý này của HBC là khoản lợi nhuận khác hơn 653 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Với sự đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, HBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng từ 45,1 tỷ lên hơn 546,3 tỷ đồng.
Tổng nợ phải của HBC tại ngày 30/6 ở mức hơn 13.407 tỷ đồng, giảm 7%. Tổng nợ vay giảm 16% về còn hơn 5.000 tỷ đồng.
Tại Báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết tính đến ngày 30/6 đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng. Trước đó, Hòa Bình cũng từng bị nhiều nhà thầu phụ yêu cầu thanh toán công nợ do thời gian kéo dài.
Ông Lê Viết Hải từng thừa nhận trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng.
Mới đây, Hòa Bình còn nhận chuyển nhượng bất động sản ở Đà Nẵng, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu từ một số chủ đầu tư, thông tin trên báo Đầu tư.
Vân Anh (T/h)