(ĐSPL) - Các công tố viên quân sự đã đưa Cốc Tuấn Sơn - cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần PLA - ra tòa, với các tội danh hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền.
Mua quan, bán chức
Cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, đã nhận tiền "lại quả" khi chuyển giao đất đai nằm dưới sự kiểm soát của quân đội cho các tổ chức kinh doanh.
|
Hai viên tướng Trung Quốc nằm trong thước ngắm của Chủ tịch Tập Cận Bình. |
Ở thành phố Bộc Dương quê hương (thuộc tỉnh Hà Nam), Cốc Tuấn Sơn đã cho xây dựng trang viên trên diện tích 1 hécta, tương tự như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Khi lục soát căn biệt thự của Cốc Tuấn Sơn, các điều tra viên thu được nhiều đồ vật bằng vàng ròng và vô số rượu quý, chất đầy 4 xe tải. Trong số này, có bức tượng Mao Trạch Đông, bồn rửa và mô hình con tàu làm bằng vàng nguyên chất.
Số tài sản mà cựu Trung tướng Cốc Tuấn Sơn tham ô chưa được tiết lộ và có thể một phần số tiền tham ô đã được chuyển ra nước ngoài.
Theo Reuters, một trong các tội trạng nghiêm trọng nhất của "tướng tham nhũng" Cốc Tuấn Sơn là mua, bán quân hàm. Bản thân Cốc Tuấn Sơn cũng đã chi 3,5 triệu euro (hơn 100 tỷ VND) để “chạy” từ hàm đại tá lên thiếu tướng. Cốc Tuấn Sơn cũng đã bán nhiều chức vụ quân đội để nhận những khoản hối lộ khổng lồ.
Nhờ "mua quan, bán chức" mà Cốc Tuấn Sơn lên như diều gặp gió. Năm 2001, Cốc Tuấn Sơn giữ chức Cục phó Cục nhà đất và cơ sở vật chất thuộc Tổng cục Hậu cần PLA. Năm 2007, ông ta ngoi lên chức cục trưởng và hai năm sau, leo lên chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 2011, Cốc Tuấn Sơn được phong hàm trung tướng.
Lợi dụng quyền hạn, Cốc Tuấn Sơn liên kết với các công ty bất động sản bên ngoài để kiếm lời. Một phi vụ làm ăn nổi tiếng của họ Cốc là lô đất biệt thự số 7 thuộc khu Điếu Ngư Đài ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Lô đất này vốn thuộc một doanh nghiệp nhà nước, nhưng bị quân đội trưng dụng với lý do phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2007, lô đất lại được chuyển nhượng cho Tập đoàn Trung Hách, để chuyển đổi chức năng thành khu chung cư cao cấp, với mức giá niêm yết là 300.000 nhân dân tệ một mét vuông (tương đương 37.500 USD/m2).
Quân đội không còn là thành trì "bất khả xâm phạm"
Cốc Tuấn Sơn là tướng lĩnh quân đội cấp cao nhất ở Trung Quốc bị ra tòa về tội tham nhũng kể từ năm 2006.
Đây quả là một thắng lợi lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau việc chặt đứt chân rết chính trị-kinh tế của trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, ông đã đánh một "con hổ" hàng đầu trong quân đội, thuộc diện "bất khả xâm phạm”.
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia Viện Viễn Đông (Nga) Yakov Berger cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiến hành chiến dịch chống tham nhũng đến cùng, ở tất cả các cấp chính quyền. Ông Berger nói: “Đây là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, một cuộc đấu tranh sống còn. Và tôi tin rằng cuộc đấu tranh ấy sẽ thành công dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Bản thân ông ta đã nói rằng cuộc đấu tranh đó rất khó khăn và phức tạp. Nhưng nó được tiến hành với quyết tâm lớn, huy động tất cả các phương tiện. Thêm một điều nữa, ông Tập Cận Bình có trợ thủ đắc lực là Vương Kỳ Sơn, người đóng vai trò rất lớn trong đấu tranh chống tham nhũng".
Với sự hỗ trợ của Vương Kỳ Sơn - Ủy viên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị và đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bẻ gãy được sự kháng cự của tầng lớp chóp bu trong quân đội và đưa vụ Cốc Tuấn Sơn ánh sáng. Viên tướng này bị bắt từ tháng 2/2012, trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền trong đảng, quân đội và nhà nước. Có tin đồn rằng vụ này đã bị giữ kín vì ảnh hưởng đến lợi ích của hàng ngũ tướng lĩnh cao cấp.
Khi đưa Cốc Tuấn Sơn ra trước vành móng ngựa, Chủ tịch Tập Cận Bình đang "dồn vào chân tường" đám tướng lĩnh tham nhũng vốn đinh ninh rằng "quân đội là bất khả xâm phạm".
Việc phanh phui vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong quân đội Trung Quốc rõ ràng sẽ làm cho những kẻ ăn hối lộ "mang quân hàm" choáng váng. Tuy nhiên, việc xây dựng quân đội "trung thực và liêm khiết" có thể mở ra cơ hội mới cho lớp sĩ quan trẻ trong cuộc chiến chống những kẻ "đã mua cho mình quân hàm cấp tướng".