Mới đây, tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc đã công bố Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), trong đó có TP.HCM.
Theo báo VnExpress, năm nay, TP.HCM tăng 10 điểm GFCI, lên mức 577. Tuy nhiên, mức độ cải thiện của đầu tàu kinh tế Việt Nam chậm hơn nhiều thành phố khác, khiến thứ hạng đi xuống.
Ví dụ, 3 thành phố tăng điểm mạnh nhất là Barbados (thành phố, quốc gia khu vực Caribe) tăng 78 điểm, Isle of Man (đảo tự trị thuộc Anh) tăng 70 điểm và Liechtenstein (thành phố, công quốc ở châu Âu) tăng 62 điểm.
TP.HCM hướng đến trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.
Từ những năm 2000, TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Việc "thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" là một trong các chiến lược được đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại cuộc họp vào tháng 2/2022, TP.HCM nêu định hướng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực từ năm 2026 đến 2045. Mục tiêu là vào top 50 của GFCI năm 2030 và top 20 năm 2045.
Địa phương đề ra 4 chương trình hành động đến năm 2025 gồm: phát triển Fintech (công nghệ tài chính), ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường giao dịch hàng hóa.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023 mới đây, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng khuyến nghị thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại một diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức vào năm 2022, bà Phan Thị Thắng, khi đó giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là trung tâm của các khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, TP.HCM có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đi trước Singapore và Hong Kong 1 tiếng đồng hồ. Điều này cho phép TP.HCM tham gia chu trình khép kín các giao dịch tài sản toàn cầu suốt 24/24 giờ. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Bà Thắng cho biết TP.HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng với điểm số là 561 so với các trung tâm tài chính quốc tế theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu. Đánh giá này do tổ chức xếp hạng của London công bố dựa trên khảo sát thu thập của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới.
“Vì vậy, việc xác định địa điểm là lựa chọn hàng đầu phù hợp nhất để định hướng phát triển biểu tượng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam vẫn tại TP.HCM”, bà Thắng nhấn mạnh.
Các thành phố khác tại Đông Nam Á tiến bộ trong bảng xếp hạng GFCI năm nay. Dẫn đầu là Singapore tăng 19 điểm và giữa vững vị trí thứ 3 toàn cầu. Trong khi Manila tăng 3 điểm, cải thiện được 6 bậc lên hạng 102. Các thành phố khác như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta đều tăng từ 12 đến 14 điểm, nhưng tụt từ 12 đến 22 hạng. Tuy nhiên, cả 3 đều đang giữ vị trí cao hơn TP.HCM, lần lượt là 86, 80 và 95. Ở cấp độ toàn cầu, New York giữ vững vị trí dẫn đầu với 763 điểm. Tiếp theo là London, Singapore và Hong Kong. Trong top 10, Washington DC và Geneva là hai tân binh thay thế Seoul và Boston. GFCI được thực hiện bằng cách tính điểm cho 147 yếu tố đầu vào, cung cấp bởi bên thứ 3 gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hợp Quốc và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence. Điểm chung cuộc sẽ quyết định thứ hạng năng lực cạnh tranh ở lĩnh vực trung tâm tài chính của các thành phố. Kết quả này thường được các nhà hoạch định chính sách và đầu tư dùng làm tư liệu tham khảo. |
Vân Anh (T/h)