Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tăng thuế VAT: Nên mừng hay lo?

(DS&PL) -

VAT sẽ tăng từ 10% lên 12% vào năm 2019, tuy nhiên thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh giảm để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng quốc dân.

Thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng từ 10% lên 12% vào năm 2019, tuy nhiên thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh giảm để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng quốc dân không bị ảnh hưởng lớn.

Nâng mức thuế VAT lên 12%

Trong tờ trình gửi Chính phủ, bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%. Bộ Tài chính cho rằng, qua tham khảo trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt).

Bộ này dẫn chứng, “cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế giá trị gia tăng để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất giá trị gia tăng diễn ra phổ biến. Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông: Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản...”. Vì vậy, bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc phương án tăng thuế VAT từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.

Thuế thu nhập cá nhân chỉ còn 5 bậc

Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc thuế thu nhập cá nhân, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn. Theo đó, người có thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng sẽ chịu mức thuế suất 5%, trên 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ chịu mức thuế 10%, trên 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/tháng sẽ chịu mức thuế 20%, thu nhập trên 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng/tháng sẽ chịu thuế suất 28%, trên 80 triệu đồng/tháng sẽ chịu thuế suất 35%.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.Hoàng Đình Minh (giảng viên ĐH Bách Khoa) nhận định, việc tăng thuế VAT vào thời điểm này là chưa thích hợp vì về cơ bản khi tăng thuế VAT sẽ “đánh” thẳng vào những người có thu nhập thấp. Thêm nữa sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, nếu không cẩn thận còn có thể gây ra lạm phát. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi việc tăng thuế VAT sẽ làm dịch chuyển nguồn lực từ khối người dân cơ bản sang một khối khác.

Cùng với đó còn có thể làm giảm sức mua trên thị trường mà điều kiện cần nhất của nền kinh tế chính là sức mua nên không thể so với các quốc gia khác, như Đức, thuế VAT của họ là 19% nhưng riêng đối với mặt hàng thực phẩm, VAT của họ cũng chỉ 7%.

Cần có cái nhìn tổng thể!

Với góc nhìn lạc quan hơn về Dự thảo Luật thuế mà bộ Tài chính đưa ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (học viện Tài chính) cho rằng: “Cần nhìn nhận một cách tổng thể về tái cấu trúc hệ thống thuế tại Việt Nam mới ra được vấn đề, hiện nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới nên có nhiều thay đổi về hệ thống thuế mà ta phải tuân thủ theo”.

Vị giảng viên trường đại học đầu ngành về tài chính cho rằng: “Ngoài việc đề xuất tăng thuế suất VAT, thuế TNDN và thuế TNCN đã có đề xuất chỉnh sửa theo hướng tăng cường, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và các DN trong nền kinh tế nói chung đẩy mạnh tự chủ, tăng cường đầu tư và tạo điều kiện để DN tư nhân tích lũy và tái sản xuất nên thuế TNDN đã được đề xuất giảm, nhất là DNNVV giảm rất nhiều”. “Đối với thuế xuất - nhập khẩu, theo cam kết với các nước trong khu vực ASEAN chúng ta đã hạ thuế chủ yếu là 0% -5% và một số quốc gia chúng ta tham gia hiệp định song phương và đa phương về cơ bản trong thời gian có hiệu lực cũng sẽ giảm mức thuế xuống theo thỏa thuận, thường từ 0-5%, như vậy 3 loại thuế này đang làm giảm nguồn thu nói chung của ngân sách Nhà nước”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Riêng về mức thuế suất VAT tăng từ 10% lên 12%, ông Thịnh cũng đồng tình với quan điểm của bộ Tài chính, hầu hết ở các nước trong khu vực ở mức từ 15 – 16%, còn ở Việt Nam bình quân khoảng 10%: “Như vậy thuế VAT đang rất thấp so với các nước ngay cả trong khu vực lẫn các nước phát triển, nên việc tăng lên 12% là điều đương nhiên và có thể tăng cao hơn cho phù hợp”. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Việc tái cơ cấu hệ thống thuế này còn liên quan đến một số thuế khác như thuế tài nguyên thiên nhiên, thuế bảo vệ môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt cũng phải xem xét cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta hiện nay”.

THIÊN DI - HOA LIÊN

Tin nổi bật