Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7, đề xuất kinh phí điều chỉnh năm 2025. Ảnh minh hoạ
Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 nêu, dự toán chi ngân sách nhà nước sẽ tiến hành xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với kinh phí về chế độ tiền lương mới, sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.
Ngày 28/5, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2024 về xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, các chính sách lương hưu sẽ được đánh giá và xác định để xây dựng kết hoạch tài chính 5 năm qua 2 giai đoạn gồm: đánh giá thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn 5 năm từ 2021 đến 2025 và xây dựng kế hoạch tài chính giai đoạn 5 năm từ 2026 đến 2030.
Mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2026-2030.
Về dự toán nguồn thực hiện cải cách tiền lương và kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công năm 2025, dự thảo nêu rõ:
Về nguồn cải cách tiền lương, các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan.
Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2025 để thực hiện cải cách tiền lương.
Về kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.
Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Bên cạnh đó, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được hưởng các chế độ như hưu trí, tử tuất.
Có thể thấy hưu trí là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội. Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ là nơi chi trả lương hưu cho những đối tượng được hưởng lương hưu.
Trước đó, tại phiên họp thứ 31 vào chiều ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có 03 mức điều chỉnh lương hưu từ 1/7 cho 03 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương, cụ thể như sau:
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Mức tăng lương hưu của nhóm này sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 1/7, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa, báo VTV Online thông tin.