Mong muốn được an táng tại Nghĩa trang Bát Bảo Sơn, song không ít vị “lão thành cách mạng” Trung Quốc lại kết thúc cuộc đời ở nhà giam Tần Thành.
|
Trại giam Tần Thành: Nơi khép lại những kỳ án chính trị chấn động Trung Quốc |
Trước chỉ đạo tu sửa, sau trở thành phạm nhân
Ở Trung Quốc, trại giam Tần Thành là cái tên nổi tiếng không kém gì nghĩa trang Bát Bảo Sơn. Mong muốn của những vị lão thành cách mạng chính là sau khi chết được an táng tại Bát Bảo Sơn, song không ít trường hợp lại phải nằm tại phòng giam trại Tần Thành.
Tần Thành là nhà tù trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc, đặt tại thôn Tần Thành, trấn Hưng Thọ, huyện Xương Bình, Bắc Kinh. Do đó người dân thường quen gọi nơi này là “Trại giam Tần Thành”.
Trại giam Tần Thành ban đầu xây dựng có 4 tòa nhà màu trắng đứng biệt lập, xếp theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh - mỗi tòa đều có phòng thẩm vấn riêng. Cả 4 tòa nhà đều được xây ba tầng, tường gạch, mái nghiêng, phía trước có sân trống cho phạm nhân đi dạo.
Năm 1967, trại Tần Thành mở rộng thêm 6 tòa nhà nữa cùng 6 khoảng sân lớn, được đặt tên tiếp nối 4 tòa cũ là Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
|
Ảnh vệ tinh của Google chụp toàn cảnh nhà tù Tần Thành |
Cựu Cục trưởng Công an Bắc Kinh Phùng Cơ Bình là người từng trực tiếp chỉ đạo việc tu bổ trại Tần Thành. Về sau này chính ông cũng bị buộc đội “phản Đảng” và bị giam vào ngục Tần Thành. Phùng từng nói đùa: “Nếu biết nơi này sẽ trở thành nơi giam giữ chính mình thì lúc trước nhất định phải xây sửa cho tử tế một chút”.
Những nhân vật tiếng tăm
Theo Bloomberg, nhà tù Tần Thành từng giam giữ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Nhiêu Thấu Thạch – người bị cho là nhân vật chủ chốt trong liên minh phản đảng của Cao-Nhiêu; các cộng sự thân tín của Lâm Bưu gồm Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hội Tác; Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, cựu Chủ tịch HĐND Khu tự trị Quảng Tây Thành Khắc Kiệt, cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ.
Mới đây hơn là cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, cựu Bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân, cựu Bí thư thành uỷ Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Trước đó, cha ruột Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba và cha vợ ông này là Cốc Cảnh Sinh cũng từng phải thụ án trong nhà tù này.
Vương Quang Mỹ, phu nhân cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ cũng bị giam trong nhà tù này suốt 20 năm, từ năm 1967, với tội danh cầm đầu Mai Hoa đảng và làm gián điệp cho Mỹ.
Phạm nhân “nổi tiếng” nhất mà ngục Tần Thành từng tiếp nhận chính là phu nhân của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông – bà Giang Thanh, “bà trùm” của “Bè lũ 4 tên”. Sau khi bị thẩm vấn công khai năm 1977, Giang bị giam giữ tại đây để chờ ngày thi hành án.
|
Cựu Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Giang Thanh |
Tiêu chuẩn ăn trong tù tương đương cấp bộ trưởng.
Cũng vì trại Tần Thành thường giam giữ quan chức cấp cao của chính phủ bị tuyên án, do đó việc ăn uống tại đây cũng đầy đủ hơn các trại giam thường rất nhiều. Có nguồn tin cho rằng, bữa ăn tại đây tương đương với tiêu chuẩn cấp bộ trưởng, tuy nhiên điều này không được chứng thực. Phạm nhân được uống sữa vào bữa sáng, bữa trưa và tối đều có hai món chính một món canh, sau bữa ăn phạm nhân được thêm một quả táo.
Phòng giam tại Tần Thành diện tích khoảng 20m2, có nhà tắm và xí bệt, trong phòng có giường. Thậm chí có nguồn tin còn tiết lộ phòng giam tại đây có bàn để phạm nhân đọc báo. Trong thời gian đi dạo, phạm nhân có thể sưởi nắng, vận động…
Đối với vấn đề y tế, bệnh nhẹ có thể được chăm sóc ngay tại trại, còn bệnh nặng hơn sẽ được chuyển tới bệnh viện cố định, tuy nhiên các phạm nhân cũng không thể “mơ” tới Viện 301 danh tiếng.
Căn cứ vào những tư liệu được công khai, trại giam Tần Thành có đồng phục dành cho phạm nhân, tuy nhiên các phạm nhân thường không cần phải mặc “áo tù” mà có thể tự do sử dụng trang phục của bản thân. Trong quãng thời gian đợi thi hành án, cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ vẫn mặc đồ Âu, thậm chí còn rất lịch lãm. Bên cạnh đó, vật dụng thường ngày của phạm nhân cũng có thể do gia đình cung cấp.
|
Tù nhân nỏi tiếng mới nhập trại giam Tần Thành chính là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. |
Mã số của phạm nhân thường có 4 chữ số - hai chữ số đầu tiên là năm vào trại, hai chữ số cuối là số thứ tự. Ví dụ đối với Bạc Hy Lai, hai chữ số đầu tiên trong mã số của ông này là 13 (bị giam tại Tần Thành từ năm 2013), còn hai chữ số cuối thể hiện ông Bạc là người thứ bao nhiêu “nhập khám” trong năm đó. Con số này không được tiết lộ, song chỉ biết chắc chắn đó không phải là 01.