Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tân Hiệp Phát và "con ruồi nửa tỷ": Tranh cãi chưa có hồi kết

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Tới nay, mặc dù đã có kết luận ban đầu về chai nước có chứa ruồi của Tân Hiệp Phát nhưng sự việc vẫn chưa thực sự ngã ngũ với hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt

(ĐSPL) – Tới nay, mặc dù đã có kết luận ban đầu về chai nước có chứa ruồi của Tân Hiệp Phát nhưng sự việc vẫn chưa thực sự ngã ngũ với hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt đây là quan hệ dân sự hay quan hệ hình sự?

Video: Tân Hiệp Phát với những cách hành xử không giống ai.

Câu chuyện “con ruồi nửa tỷ” đã trở thành chủ đề nóng bỏng trên các diễn đàn với những quan điểm trái chiều. Đặc biệt, trong “cuộc chiến” này còn có sự tham gia của các luật sư.

Phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát và một số chuyên gia pháp lý, luật sư thì cho rằng vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với anh Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngược lại, một số bạn đọc và luật sư khác thì cho rằng vụ việc là chỉ là quan hệ dân sự, anh Minh không phạm tội, cơ quan điều tra đang hình sự hóa quan hệ dân sự. Mỗi bên đều có những quan điểm và lý lẽ riêng của mình.

Dưới đây là những phân tích của các luật sư với báo Đời sống và Pháp luật về những quan điểm cá nhân họ xung quanh câu chuyện này.

Uy hiếp để đòi tiền thì không thể là dân sự được?

Vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường đã có phân tích khá dài, cho rằng hoàn toàn có căn cứ để xử lý hình sự với anh Minh về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, luật sư Cường cho rằng đây là vụ án hình sự, cơ quan điều tra xác định là có dấu hiệu tội phạm. Vì vậy, bước tiếp theo của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án là phải chứng minh được hành vi của anh Minh là thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cụ thể đây là tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.

Điều 135 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù...”.

Như vậy, về mặt khoa học pháp lý thì tội danh này có cấu thành hình thức, chỉ cần chủ thể đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản và có thể xử lý về tội danh này.

Hành vi uy hiếp tinh thần ở đây chưa đến mức độ làm người bị uy hiếp tê liệt ý chí như tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS, nhưng điều luật này cũng không quy định là người bị uy hiếp phải “sợ hãi” đến mức phải giao tài sản.

Với tội danh này thì việc người uy hiếp tinh thần người khác có lấy được tài sản hay chưa, họ đã “sợ” chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Ở mặt khách quan của tội này cần phải thỏa mãn là có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có “thủ đoạn khác”, thủ đoạn ở đây không phải là vũ lực nhưng vẫn có thể uy hiếp người có tài sản để buộc họ phải giao tài sản cho mình. Mặt chủ quan phải thể hiện ở động cơ, mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án trên, theo thông tin ban đầu thì thể hiện anh Minh đã có hành vi có tính chất đe dọa ban lãnh đạo của công ty Tân Hiệp Phát để lấy 1 tỷ đồng, sau đó rút xuống còn 500 triệu đồng.

Hành vi - nếu công ty không đồng đưa tiền cho anh Minh thì anh Minh sẽ đưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty. Mục đích nhằm chiếm đoạt 500 triệu đồng. Lý do anh Minh đưa ra để lấy tiền là “mua sự im lặng" chứ không phải là phạt hợp đồng hay yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hành vi của anh Minh nếu không được chấp nhận là nhằm mục đích gây thiệt hại tới uy tín và tài sản của công ty THP. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng mới nhận định là hành vi của anh Minh có dấu hiệu tội phạm và đã khởi tố và tạm giam anh này.

Vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra, làm rõ. Nếu đến khi xét xử mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản thì tòa án sẽ tuyên bố anh Minh vô tội và khi đó anh Minh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

"Nhưng theo tôi, khả năng đó ít xảy ra. Hành vi tung tin, phát tờ rơi… nhằm mục đích làm mất uy tín của công ty để buộc ban lãnh đạo công ty phải giao tài sản cho mình (chứ không yêu cầu bồi thường thiệt hại) là hành vi cưỡng đoạt tài sản và việc khởi tố theo thông tin trên là có căn cứ", luật sư Cường nhận định.

Nếu anh Minh không bỏ con ruồi vào thì không có tội?

Luật sư Phạm Hoài Nam cũng có những phân tích khá chi tiết về việc đây hoàn toàn là mối quan hệ dân sự: "Theo tôi, vụ việc vừa có yếu tố hình sự vừa có yếu tố dân sự đan xen nhưng xét cho cùng bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự".

Xem xét vụ việc dưới góc độ hình sự về cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản” theo điều 135 Bộ luật Hình sự thì hành vi cưỡng đoạt tài sản phải có dấu hiệu đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Có thể Minh không có hành vi đe doạ dùng vũ lực đối với Công ty Tân Hiệp Phát nhưng lại dùng thủ đoạn khác như doạ phát tờ rơi và thông tin cho báo chí nhằm bôi nhọ uy tín của doanh nghiệp, chính vì vậy Công ty Tân Hiệp Phát buộc phải giao tiền cho Minh để đối lấy sự im lặng; hành vi này của Minh đã thoả mãn về mặt khách quan đối với dấu hiệu cấu thành tội phạm phạm đối với tội cưỡng đoạt tài sản.

Nhưng về mặt chủ quan của tội phạm thì không thoả mãn cấu thành tội này bởi đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì người phạm tội phải thực hiện tội này với lỗi cố ý, nghĩa là về nguyên tắc mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước.

Trở lại vụ việc, ta thấy khi phát hiện vụ việc có con ruồi nằm trong chai nước Number One thì Minh đã thông báo cho Công ty Tân Hiệp Phát để yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp cử đại diện đến thương lượng nhiều lần, tất cả các lần đều lập biên bản thoả thuận về giá cả bồi thường, việc Minh có doạ Công ty Tân Hiệp Phát về việc tung tờ rơi hoặc đưa thông tin cho báo chí cũng chỉ là hành vi gây sức ép trong quá trình đàm phán, phía doanh nghiệp nếu không chứng minh được thiệt hại thì không có cơ sở để được pháp luật bảo vệ.

Mặt khác với nhiều lần hai bên đàm phán, thương lượng và đi đến thoả thuận cuối cùng là đồng ý trả tiền thì tự công ty Tân Hiệp Phát đã thừa nhận chai nước ngọt Number One có con ruồi bên trong là tài sản của mình, tài sản bị lỗi và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải bồi thường cho người tiêu dùng và trong trường hợp này anh Minh chính là người tiêu dùng được quyền yêu cầu… còn số tiền bồi thường lớn hay nhỏ là do hai bên tự thoả thuận không thể căn cứ vào số tiền lớn để quy kết rằng anh Minh cưỡng đoạt tài sản.

Như vậy, tuy vụ việc có dấu hiệu hình sự như đã nêu trên nhưng chưa thoả mãn cấu thành tội phạm đối với tội “cưỡng đoạt tài sản” mà bản chất của vụ việc là một giao dịch dân sự bởi Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn thương lượng với anh Võ Văn Minh là phù hợp theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch dân sự tại điều 121 và điều 122 Bộ luật Dân sự.

Mặt khác vụ việc cũng phù hợp với quy định pháp luật về việc bảo vệ người tiêu dùng được quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ người tiêu dùng; theo đó phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ được thực hiện thông qua việc thương lượng, hoà giải; trong trường hợp các bên không giải quyết được thì có thể yêu cầu cơ quan Trọng tài hoặc Toà án giải quyết tranh chấp.

Luật sư Giang Hồng Thanh xét góc độ từ kết quả giám định mới được công bố cho thấy, có sự can thiêp của con người vào phần nắp chai của chai nước Number One được đem đi giám định và làm cho nó bị biến dạng.

Trong tình huống này, hành vi của anh Võ Văn Minh đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản bởi lẽ anh Minh đã ngụy tạo việc chai nước có ruồi là do lỗi của nhà sản xuất, sau đó buộc nhà sản xuất phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc này ra công luận. Đây là hành vi uy hiếp về mặt tinh thần của người khác khiến cho người đó vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín mà phải giao tài sản.

Thứ hai, con ruồi nằm trong chai nước là có sẵn trong chai, không phải do anh Võ Văn Minh đưa vào. Tình huống này lại phân chia thành hai trường hợp khác nhau.

Cụ thể, nếu anh Minh nhân sự việc này mà yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc ra công luận, hành vi của anh Minh vẫn cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, bởi vì Công ty Tân Hiệp Phát không có nghĩa vụ phải trả tiền cho anh Minh kể cả khi đó là lỗi của họ, nếu như lỗi đó không gây thiệt hại cho anh Minh.

Nếu sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng do anh Minh làm chủ, anh Minh yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải bồi thường cho mình do uy tín bị xâm hại, thì việc làm của anh Minh không cấu thành bất cứ tội danh nào. 

Công ty Tân Hiệp Phát có thể bồi thường hoặc không bồi thường theo yêu cầu của anh Minh. Còn việc hai bên thương lượng mức bồi thường 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay một số tiền nào đó là quan hệ dân sự giữa hai bên. Nếu không đồng ý mức bồi thường các bên có thể khởi kiện ra tòa.

Theo Luật sư Thanh nhận định: "Qua những phân tích như trên, với các thông tin trên báo, chưa thể quy kết anh Võ Văn Minh phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Các cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ những vấn đề như con ruồi có trong chai xuất phát từ đâu, đã bao giờ sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát xuất hiện côn trùng hay dị vật chưa, hình thức yêu cầu của anh Minh đối với Công ty Tân Hiệp Phát là đòi bồi thường uy tín hay buộc công ty này phải trả tiền để nhận được sự im lặng từ phía anh Minh... qua đó mới có thể đưa ra kết luận chính xác".

Tin nổi bật