Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tan cửa, nát nhà vì "lãi mẹ đẻ lãi con" trong vòng xoáy tín dụng đen

(DS&PL) -

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của người dân, các đối tượng đã dụ dỗ người dân vay tiền. Đến khi không có khả năng chi trả, các chủ nợ đe dọa...

Thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen. Đến khi không có khả năng chi trả vì "lãi mẹ đẻ lãi con", nhiều gia đình bị các chủ nợ cho đàn em đến dằn mặt, hăm dọa, truy sát...

Tín dụng đen là cụm từ không quá xa lạ với nhiều người. Hiểu một cách đơn giản nhất, tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào.

Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các Ngân hàng. Có lẽ chính vì vậy mà thay vì tìm đến ngân hàng với điều kiện và thủ tục khắt khe, nhiều người đã tìm đến tín dụng đen để vay.

Tín dụng đen và vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con"

Tuy nhiên, sự bùng phát của tín dụng đen và mặt trái của nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của một bộ phận người dân. Để rồi sau đó không ít gia đình đã tan nhà nát cửa khi trong thời gian ngắn số tiền gốc lẫn lãi tăng gấp nhiều lần và mất khả năng chi trả.

Những người dân nghèo khi vướng vào “tín dụng đen” nhanh chóng khánh kiệt, phá sản, thậm chí trở thành kẻ vô gia cư. Cũng đã có trường hợp để siết chặt con mồi, chủ nợ huy động đàn em có số má đến dằn mặt, hăm dọa, truy sát con nợ khi họ chưa trả tiền hoặc tố cáo công an. Đấy thực sự là mặt trái khó kiểm soát của vòng xoay tín dụng đen không lối thoát.

Chắc hẳn cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi xem clip nhóm đòi nợ gồm khoảng 7 - 8 người dùng gạch đá tấn công nhà anh Đ.M.P (29 tuổi) trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP HCM vào ngày 17/7/2017.

Theo như chia sẻ của anh P., em gái của anh có vay của nhóm này 100 triệu đồng, cộng thêm lãi suất đến nay món nợ lên đến 150 triệu đồng.

Một số đối tượng cho vay theo hình thức “tín dụng đen” bị Công an TP Long Xuyên (An Giang) bắt giữ. (Ảnh: Công an nhân dân)

Mặc dù em gái không ở chung với anh P. nhưng nhóm người hung hãn này vẫn vô cớ xông vào nhà, ép anh P. trả nợ thay. Sau khi bị anh P., mời ra khỏi nhà, nhóm đối tượng này đã dùng gạch tấn công lại anh P., thậm chí chúng còn dùng khung sắt ném vào cửa kính nhà anh này.

Liên quan đến những hệ lụy của vòng xoáy tín dụng đen, cơ quan Công an quận Tân Phú, TP HCM cũng từng điều tra làm rõ vụ chủ nợ bắt cóc chị N.N.K (28 tuổi), ngụ tại quận 1, gây xôn xao dư luận.

Theo tài liệu điều tra, chị K. vay nóng của một băng nhóm cho vay “núp bóng” tiệm cầm đồ rồi mất khả năng chi trả số nợ 300 triệu đồng. Ngày 12/5/2017, trong khi đang làm việc tại tiệm làm tóc, 9 thanh niên xăm trổ đầy người đã xông vào bắt chị K. đưa đến nhốt ở một căn nhà trên đường Hồ Đắc Di, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú.

Ngay sau khi bắt cóc chị K., nhóm người này đã gọi điện thoại cho mẹ chị K. là bà N.T.T (56 tuổi), ngụ tại quận 1 yêu cầu mang 300 triệu đồng trả nợ mới thả con gái.

Bà T. sau đó đã vừa trình báo công an, vừa vay mượn tiền để chuộc con. Các trinh sát của Công an quận Tân Phú đã giải cứu chị K. và bắt giữ 9 người để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

Hay câu chuyện về ông T.N.A. (56 tuổi), ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM, một trong những nạn nhân phải chịu cảnh tan cửa nát nhà vì tín dụng đen.

Theo đó, ông A. vốn là người địa phương, có nhà cửa đề huề nhưng đột nhiên trở thành kẻ vô gia cư vì lòng tốt giúp đỡ người khác.

Ông A. cho biết, vợ ông có người hàng xóm thân thiết tên P. Cuối năm 2011, con trai bà P. điều khiển xe máy chở người bạn đi làm thì bị tai nạn. Người đi cùng tử vong, còn con bà P. thương tích, nhập viện. Bà P. túng thiếu nên chạy sang khẩn cầu, nhờ vả.

Nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, vợ ông A. đã tìm bà T. (sống địa phương) để vay tiền. Sau đó, bà P. lặng lẽ rời địa phương rồi biệt tăm, để lại số nợ cho gia đình ông A. gánh chịu.

Được biết, thời điểm đó, vợ ông A. vay của bà T. gần 90 triệu đồng, lãi 260.000 đồng/ngày (khoảng 9%/tháng).

Mới đầu, vợ chồng ông A. còn gồng gánh trả lãi nhưng về sau thì không trả nổi lãi nhiều tháng liền. Từ đó gia đình ông gặp không ít chuyện phiền hà khi bà T. cho đàn em xăm trổ đầy người đến dằn mặt.

Đến gần giữa năm 2012, số tiền đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Lúc này, ông A. đành phải ký vào giấy nợ do bà T. lập sẵn với số nợ gốc lẫn lãi là 290 triệu đồng.

"Tín dụng đen" quảng cáo bằng nhiều hình thức (Ảnh: Dân việt)

Không dừng lại ở đó, bà T. yêu cầu vợ chồng ông A. bán căn nhà nhỏ của gia đình ở ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn với giá 320 triệu đồng. Cả nhà ông A. phải ra đường với 30 triệu đồng trên tay (sau đó cũng bị cấn trừ luôn).

 "Nở rộ" khắp nơi

Đây chỉ là một vài vụ việc trong vô số vụ người dân phải cảnh nhà tan, cửa nát chỉ vì tín dụng đen. Mặc dù cơ quan công an đã chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng cho vay tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, các chợ... với nội dung “cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” nhằm dụ dỗ người dân vay tiền. Và rồi khi nạn nhân không có khả năng chi trả, bọn chúng đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.

Không chỉ vậy, tín dụng đen còn núp bóng dưới dạng tiệm cầm đồ, công ty TNHH… Bọn chúng buộc người vay ký hợp đồng vay tiền nhưng không đưa hợp đồng cho con nợ giữ nhằm đề phòng khi bị công an bắt giữ, không có chứng cứ xử lý họ.

Hoặc dù trong hợp đồng ghi vay mượn tiền với lãi suất đúng quy định pháp luật nhưng thực tế thu lãi suất cao hơn nhiều so với hợp đồng… Tín dụng đen thực sự đang là vòng xoáy khiến không ít gia đình lao đao.

T.Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật