Báo Người lao động đưa tin, ngày 5/2, Hãng hàng không Bamboo Airways đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phan Đình Tuệ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023 - 2028. Quyết định có hiệu lực từ ngày 7/2/2024.
Tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Phan Đình Tuệ (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm ngày 5/2. Ảnh: Bamboo Airways
Tại Bamboo Airways, trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tuệ là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT.
Theo tạp chí Đầu tư tài chính, ông Phan Đình Tuệ sinh năm 1966, có trình độ cử nhân tài chình, cử nhân quản trị kinh doanh - ngoại thương và có kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ông Tuệ giữ vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank từ tháng 6/2012 và và được bầu làm thành viên HĐQT vào năm 2021.
Đến tháng 6 năm ngoái, Sacombank thông báo ông Phan Đình Tuệ sẽ thôi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc và chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 15/6/2023. Đây cũng là giai đoạn ông Tuệ giam nhập Bamboo Airways.
Ngoài công việc tại Bamboo Airways, hiện ông Tuệ cũng đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao tại một số doanh nghiệp, hiệp hội như Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sao Vàng Đất Việt – thuộc Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam...
Giai đoạn làm việc tại Sacombank, ông Tuệ là một trong những thành viên còn ở lại trong ban điều hành của ngân hàng này kể từ thời ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank).
Năm 2018, ông Phan Đình Tuệ được xác định đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Trầm Bê trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank) trên 1.835 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tuệ không được hưởng lợi nên không đủ căn cứ xác định hành vi của ông đồng phạm với ông Trầm Bê về tội cố ý làm trái… nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Tuệ.
Việc bổ nhiệm ông Phan Đình Tuệ được Bamboo Airways đánh giá là bước tiến mới nhất nhằm đáp ứng nguồn lực, các điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới, được triển khai ngay từ đầu năm 2024. Trong đó, bao gồm cải thiện sức khỏe tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trên thực tế, Bamboo Airways hiện tại cũng đang gặp không ít vấn đề. Theo lời của CEO Lương Hoài Nam, hãng hiện mới chỉ ổn định một bước, tuy nhiên ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với trước đây.
Cụ thể, trước đây, Bamboo Airways có 30 tàu, bao gồm cả máy bay thân rộng Dreamliner. Đến nay, hãng chỉ còn 10 máy bay, gồm 7 máy bay Airbus và 3 máy bay Embraer. Hiện hãng cũng chỉ khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao có lúc lên tới hơn 60 đường bay nội địa.
Đáng chú ý, hãng bay này cũng đang dư thừa rất nhiều lao động. Trong đó, phi công dư cả trăm người, còn tiếp viên dư khoảng 500 người.
Theo kế hoạch 5 năm 2024-2028, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2025 hãng sẽ vượt qua điểm kinh doanh hòa vốn và lợi nhuận tăng dần trong các năm sau. Dự kiến đến năm 2028, Bamboo Airways có thể đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.700 tỷ đồng.
Bamboo Airways vừa kỷ niệm 5 năm ngày khai thác chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/1/2024. Bước sang năm thứ 6 hoạt động, trong bối cảnh quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ, Bamboo Airways đang đẩy mạnh các kế hoạch gia tăng hiệu quả khai thác thương mại nhằm mục tiêu ổn định hoạt động, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để tạo đà cho các kế hoạch phát triển trong tương lai, cũng như duy trì dịch vụ hàng không truyền thống (full service airline).
Vân Anh (T/h)