Những điều vô cùng ấm áp khi thầy cô đi cách ly
ĐS&PL: Được biết, chị là nữ ĐBQH trẻ, thường xuyên tham gia mạng xã hội và tự nhận “nghề tay trái là cô giáo, nghề tay phải là làm mẹ”. Vậy còn tư cách Đại biểu Quốc hội thì thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà phát biểu về những áp lực dạy học trực tuyến
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn.
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Thực ra dòng trạng thái nhận mình có “nghề tay trái là cô giáo, nghề tay phải là làm mẹ” của tôi vừa là một lời nhắc vui vẻ cho bản thân cũng vừa là một thông điệp muốn nhắn gửi tới các bậc làm cha làm mẹ.
Không thể phủ nhận những giá trị kinh nghiệm của các cụ truyền lại nhưng chúng ta cũng cần cập nhật kiến thức khoa học để việc nuôi dạy con phù hợp với xã hội hiện nay. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy luôn coi việc làm cha mẹ là một thiên chức, một may mắn, một niềm vui và một “nghề” cần phải học tập suốt đời.
Còn nói về cương vị là ĐBQH thì đây là vinh dự quá lớn với tôi. Qua kỳ họp, tôi đã dần quen với không khí nghị trường, hiểu những nhiệm vụ của người đại biểu và được tiếp xúc, trao đổi với nhiều đại biểu có kinh nghiệm cũng như đại biểu trẻ như tôi.
Tôi cũng đã tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến với mong muốn phần nào truyền tải những trăn trở của cử tri tới các cơ quan chức năng.
ĐS&PL: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, lại ở trong vùng dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021, chị có thể chia sẻ thực tế việc học trực tuyến có những khó khăn và bất cập gì? Một câu chuyện đáng nhớ nhất trong hoàn cảnh này, chị sẽ nghĩ đến điều gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Thời gian dạy trực tuyến kéo dài liên tục nhiều tháng liền, tôi và các đồng nghiệp đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi chuyển đổi hình thức học tập trực tiếp sang trực tuyến và dần thay đổi, thích nghi và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn và bất cập có thể kể đến như tình trạng “rớt mạng”, sự tự giác trong giờ học, văn hoá ứng xử trên không gian mạng và ảnh hưởng sức khoẻ, tâm sinh lý của học sinh khi học online kéo dài.
Dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ từ phía nhà mạng nhưng khi cùng lúc nhiều thiết bị học tập và làm việc cùng kết nối trong những khung giờ cao điểm thì vẫn còn hiện tượng học sinh bị thoát ra ngoài phòng, một bài giảng.
Cũng từ việc học trực tuyến, một số thầy cô, phụ huynh và học sinh có những phát ngôn chưa phù hợp trong giờ học; nhiều lúc những người tham gia giờ học quên tắt camera, mic khiến giờ học bị ảnh hưởng. Vì học sinh học bằng điện thoại tương đối nhiều nên thường xuyên phải tắt cam- era để tiết kiệm pin nên những học sinh chưa có sự tự giác vẫn làm việc riêng trong giờ học.
Ngoài ra, việc học online kéo dài dẫn đến các vấn đề về cột sống, bệnh lý về mắt, đặc biệt khi các em bị hạn chế ra ngoài trong thời gian dài, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng. Học sinh còn dễ bị sa vào các cạm bẫy trên không gian mạng.
Tuy khó khăn là thế, nhưng vẫn có những điều vô cùng ấm áp với cô trò chúng tôi. Ví dụ như, hồi cuối tháng 8, khi tôi cùng nhiều đồng nghiệp thuộc diện cách ly tập trung thì mỗi em học sinh đã tự quay riêng các đoạn nhảy vui nhộn về phòng chống Covid rồi biên tập thành một video ngắn để cổ vũ tinh thần cho các thầy cô. Đấy là món quà vô cùng ý nghĩa và ấm áp với chúng tôi.
Hay trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch này, có những lớp có nửa lớp được đến trường, nửa còn lại ở nhà học online vì thuộc diện F0 hoặc F1, F2 nhưng các em đã luôn có mặt đầy đủ và đúng giờ trong mỗi giờ học dù đang điều trị hay cách ly ở xa nhà. Các bạn được đi học trực tiếp thì hỗ trợ thêm từ xa cho các bạn học online.
Học trực tuyến khó thay thế học trực tiếp
ĐS&PL: Chị có băn khoăn với thế hệ cử nhân trực tuyến – tức là những học sinh cuối cấp học, thi đại học trực tuyến, thậm chí nối tiếp bậc đại học có thể vẫn là hình thức học trực tuyến – về tâm thế, kiến thức, trình độ, năng lực sau này?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Với những học sinh cuối cấp, sắp thi đại học thì việc học trực tuyến kéo dài, thậm chí đến sát ngày kéo theo sự lo lắng, băn khoăn cho chính các giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Vì học sinh từ trước đến nay đều quen với hình thức học tập trung, ở đó học sinh được thầy cô quan sát, theo dõi trực tiếp nên phát hiện ra những thay đổi dù rất nhỏ. Từ đó, thầy cô nhắc nhở, động viên kịp thời nên học sinh kiểm soát mình tốt hơn, chất lượng học tập theo đó mà hiệu quả hơn.
ĐS&PL: Đứng ở góc độ một nhà giáo, một ĐBQH của ngành giáo dục thay lời cử tri gửi tới Bộ trưởng trong năm 2022, chị sẽ gửi gắm những điều gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Qua những cuộc tiếp xúc cử tri và trò chuyện với đồng nghiệp, phụ huynh, tôi nhận được nhiều trăn trở, nguyện vọng của cử tri với ngành giáo dục.
Các cử tri muốn gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sự ghi nhận và đánh giá cao những chỉ đạo kịp thời, những giải pháp thích ứng linh hoạt của tư lệnh ngành trong bối cảnh toàn ngành giáo dục phải đương đầu với những thách thức chưa hề có tiền lệ trong lịch sử.
Các cử tri cũng gửi gắm mong muốn tới Bộ trưởng trong năm 2022 sẽ có những quyết sách hiệu quả và quyết liệt hơn để khắc phục những tồn tại trong việc dạy và học trực tuyến như: Xây dựng chương trình học và hình thức kiểm tra đánh giá học sinh phù hợp với những khu vực phải học trực tuyến kéo dài; tăng cường thiết kế và đổi mới các chương trình, hoạt động ngoại khoá trực tuyến cho học sinh giúp học sinh giảm những khủng hoảng tâm lý trong thời gian ở nhà quá lâu; tăng cường đối thoại với giáo viên, học sinh, phụ huynh để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
ĐS&PL: Về “năm học trực tuyến” vừa qua, có 2 luồng ý kiến, một cho rằng không thể học trực tuyến mãi vì quá nhiều hệ lụy, còn một lại khẳng định đã đến lúc phải theo thời đại 4.0, chúng ta phải thích ứng và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Chị theo quan điểm nào? Vì sao?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Thực ra, trên thế giới, học trực tuyến (E-learn- ing) là phương pháp học đã áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, hàng triệu học sinh phổ thông đăng ký học E-learning và tại nhiều bang ở quốc gia này, trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến.
Còn tại Hàn Quốc, phương thức học E-learning giúp giảm tải chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục. Bên cạnh đó, kênh truyền hình học đường được mở ra cùng với website cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, thu hút một số lượng rất lớn học sinh tham gia.
Ở Việt Nam, học trực tuyến trở thành “từ khóa” nóng khi dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp và học sinh phải nghỉ học. Lúc này, học trực tuyến giúp giải quyết vấn đề dừng học do đại dịch và là một xu thế phù hợp với thời đại 4.0. Tuy vậy tôi cho rằng với tình hình thực tế ở nước ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì việc học tập trực tuyến chưa thể thay thế cho hình thức học tập trực tiếp được. Học tập trực tuyến chỉ thực sự đạt hiệu quả như học tập trực tiếp khi các học sinh có đầy đủ trang thiết bị học tập phù hợp, sự phối hợp và đồng hành cùng con của các phụ huynh.
ĐS&PL: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Dương Thu
Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (17)