Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tâm sự của ông Chấn và những “kỳ án” chờ lời giải ở Bắc Giang

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong những ngày giáp tết Ất Mùi - 2015, PV báo Đời sống và Pháp luật trở về nơi từng là “điểm nóng” dư luận một thời...

(ĐSPL) - Tết Giáp Ngọ có lẽ là cái tết vui nhất đối với gia đình người tù oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Vui bởi vì nỗi oan của ông và gia đình đã được giải. Thế nhưng, cũng chính nơi đây, vẫn còn hai vụ án có dấu hiệu oan sai đang được các cấp có thẩm quyền vào cuộc điều tra làm rõ.

Trong những ngày giáp tết Ất Mùi - 2015, PV báo Đời sống và Pháp luật trở về nơi từng là “điểm nóng” dư luận một thời... Nơi đầu tiên chúng tôi tìm tới, đó chính là gia đình người tù oan Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang).

Chuyện nhặt bên người tù oan

Trước mặt chúng tôi là ông Nguyễn Thanh Chấn- người đã phải chịu án oan suốt 10 năm qua. Khoác trên mình chiếc áo sơ mi dài tay, đầu đội chiếc mũ cũ, gương mặt đen gầy gò khắc khổ, ông run run rót nước mời khách. Kế bên là bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965), vợ ông. Qua vài câu chuyện xã giao, nhận thấy tấm chân tình của người viết bài, ông Chấn và vợ đã chia sẻ những thông tin mà bấy lâu giữ kín trong lòng. Nhắc tới chuyện đi tìm công lý cho chồng, bà Chiến rơm rớm nước mắt. Bà bảo, cả cuộc đời này bà không bao giờ quên những tháng ngày bà cùng các con, người thân và cả những người không phải là ruột thịt đã giúp bà trên con đường kêu oan cho chồng.

Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn.

Ngồi kế bên vợ, ông Chấn thi thoảng góp vài câu về thời gian cũng như tên tuổi mỗi khi bà Chiến quên tên của một ai đó đã từng quan tâm giúp đỡ bà lúc nguy nan nhất. Khi được hỏi về cuộc sống sau khi trở về với gia đình, nhấp ngụm trà nóng rồi ông Chấn nói, từ ngày về ông cũng chỉ loanh quanh ở nhà, phụ giúp vợ con những việc lặt vặt. Những ngày rỗi rãi, ông thường sang hàng xóm láng giềng ngồi uống nước và tán chuyện phiếm. Trước đây khi ông Chấn còn đi tù, người làng dị, nghị xa lánh. Giờ thì mọi chuyện đã khác rồi.

Chuyện đang vui, bỗng bà Chiến chùng giọng bảo, từ khi ông nhà được minh oan đến nay gia đình cũng chịu nhiều áp lực từ việc giải quyết tiếp chuyện của ông Chấn và cả những lời đồn thổi liên quan đến câu chuyện oan sai của chồng từ trước đến nay. Cũng trong thời gian qua có luồng thông tin gia đình đã nhận được 1 tỉ đồng của tỉnh Bắc Giang bồi thường và gia đình đã dùng số tiền đó xây một ngôi nhà mới.

“Các chú về nhà thì sờ sờ ra đấy, nhà cửa liêu xiêu dột nát, nhiều lần mưa to nước chảy cả qua nền nhà. Giờ cả gia đình tôi vẫn sống trong căn nhà này chứ có gì đâu. Không biết lời đồn thổi chúng tôi có tiền xây nhà mới từ đâu mà ra. Các nhà hảo tâm khi biết chuyện cũng đến chia sẻ động viên, cũng nhiều người ủng hộ bằng vật chất. Người nhiều là 100 triệu đồng, còn lại là dăm trăm, một triệu, mà cũng đâu có nhiều”, giọng bà Chiến rưng rưng.

Trò chuyện thêm chúng tôi được biết, sau một năm trở về nhà ở thôn Me, người tù oan Nguyễn Thanh Chấn vẫn không thể có một giấc ngủ tròn giấc. Cứ chợp mắt đến nửa đêm là ông choàng tỉnh giấc, nhiều lần còn mê sảng ú ớ khiến bà Chiến nhiều đêm phải thức cùng chồng để trò chuyện. Nhiều đêm, sợ làm phiền người thân, ông Chấn chỉ nhìn vào bóng đêm vô định chờ trời sáng. Kiệm lời, nhưng ông Chấn như được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi nhắc tới người bạn tù ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ông bảo, nếu có điều kiện, Tết này, ông sẽ tìm lại thăm để chia sẻ niềm vui với người bạn ấy.

Nói về mong muốn của gia đình trong năm mới, trầm ngâm hồi lâu bà Chiến mới mở lời, oan thì đã được giải, giờ còn trông chờ vào việc bồi thường oan sai mà chồng bà và gia đình phải gánh chịu suốt hơn 10 năm. Còn với những kẻ gây ra oan sai, gia đình vẫn bảo lưu quan điểm, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Con đường chông gai và những số phận “lửng lơ” chờ phán quyết

Rời thôn Me, men theo đường quốc lộ chúng tôi tìm đến thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) nơi gia đình người tử tù Hàn Đức Long đang sinh sống. Trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu có phần ảm đạm bởi đã từ lâu ngôi nhà này thiếu vắng người chồng, người cha. Bà Nguyễn Thị Mai (SN 1970) tay bồng đứa cháu nội mới được bốn tháng tuổi “khoe”, chồng bà là Hàn Đức Long (SN 1959) đã được Hội đồng giám đốc thẩm, TAND Tối cao ra quyết định tuyên hủy hai bản án về tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người để điều tra lại.

Bà Mai tin tưởng chồng mình không phạm tội ác. Ảnh Thành Long.

Chia sẻ thông tin với chúng tôi, bà Mai khẳng định, chồng mình không phải là hung thủ sát hại cháu Y.. Vụ việc xuất phát từ một mâu thuẫn với hàng xóm, sau đó bị gia đình nhà này làm đơn tố cáo ông Long hiếp dâm cả hai mẹ con. Đến nay, bà mẹ đã mất, còn cô con gái. Nhiều lần gia đình có gặp để hỏi chuyện thì cô này chỉ im lặng. Từ năm 2005 đến nay là chuỗi ngày bà Mai đi gõ cửa các cơ quan công quyền nhằm minh oan cho chồng. “Trong một lần vào thăm chồng, nhìn ông ấy hốc hác, nhưng đôi mắt vẫn sắc lẹm. Ông ấy nắm chặt tay tôi và nói rằng ông ấy không làm chuyện đó. Bằng linh cảm vợ chồng sống với nhau đến ba mặt con, tôi tin ông ấy...”, bà Mai chia sẻ.

Từ khi có thông tin Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án của chồng, bà Mai cũng nhiều lần xuống Hà Nội để gửi đơn thư và cung cấp các bằng chứng cho các cơ quan chức năng cũng như luật sư bào chữa cho chồng mình. Bằng linh cảm của một người vợ, cũng như những bằng chứng mà mình thu thập được tại địa phương, bà Mai có niềm tin nội tâm rằng, chồng mình không gây ra tội ác tày trời như trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã thể hiện.

Không khí Tết đã tràn ngập, nhưng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình người tử tù Hàn Đức Long vẫn ảm đạm. Bà Mai chia sẻ, từ khi ông Long bị bắt đến nay gia đình bà không nghĩ nhiều đến Tết. “Dịp Tết năm ngoái, gia đình cũng mang một ít quà vào thăm ông ấy. Mừng mừng tủi tủi. Năm nay cũng đã gần đến Tết nhưng không biết khi đã hủy hai bản án điều tra lại thì có được vào thăm không nữa...”, bà Mai trầm ngâm.

Một người cũng nhận được sự quan tâm của dư luận liên quan đến chuyện oan sai, đó là bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) trú tại phường Mỹ Độ (TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Vào tháng 8/2014 bà Hằng đã được Hội đồng giám đốc thẩm - TAND Tối cao ra quyết định Hủy bản án hình sự của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại tội Mua bán phụ nữ.

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường Mỹ Độ, bà Hằng không giấu được niềm vui vì thông tin trên. Bà Hằng chia sẻ, từ ngày mãn hạn tù trở về, bà đã tự mình đi tìm bằng chứng chứng minh sự vô tội của mình, rồi kêu oan lên các cấp.

Bà Đỗ Thị Hằng: “Tôi luôn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và mình sẽ sớm được minh oan”. Ảnh Thành Long.

Bà khẳng định mình không phạm vào tội mua bán phụ nữ như đã bị kết án. “Tôi luôn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và tin tưởng rằng mình sẽ sớm được minh oan. Trong không khí xuân rộn ràng, tôi cùng người thân thường lên chùa thắp nhang lễ Phật với mong muốn quốc thái dân an và sức khỏe để tìm lại lẽ phải cho mình...”, bà Hằng mong muốn.

Vợ người tù oan Nguyễn Thanh Chấn mong muốn sớm nhận tiền đền bù oan sai để trả nợ và chăm chồng

Theo chia sẻ của gia đình ông Chấn, đến nay gia đình đã chi hết khoảng gần 600 triệu đồng cho việc minh oan cho ông Chấn, và số nợ chưa trả vẫn còn khá nhiều. Gia đình mong muốn sớm nhận được tiền bồi thường oan sai để trả nợ và có thêm điều kiện chăm sóc tốt hơn cho ông Chấn.

Tin nổi bật