Chia sẻ trên báo Dân trí, anh Trần Ngọc Chi (tài xế lái tuyến xe buýt 89 thuộc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, anh đã có 13 năm gắn bó với nghề, sáng 19/3 (ngày xảy ra sự việc), giống như mọi ngày, anh bắt đầu công việc của mình lúc gần 6h.
Đến lượt chạy từ bến xe Yên Nghĩa về bến xe Sơn Tây lúc 12h, anh Chi cùng phụ xe bất ngờ gặp trường hợp hành khách đang ngồi trên ghế bỗng ngã ra sàn rồi co giật, sùi bọt mép.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, anh Chi đánh lái xe vào ven đường. Gặp tình huống cấp bách, anh Chi vội vàng xin lỗi hành khách về sự cố, mở cửa xe và yêu cầu mọi người lùi ra phía sau để tạo không gian thoáng đãng.
Được biết nạn nhân là một cậu bé. Sau đó, anh cùng phụ xe tiến hành sơ cứu cho bạn trẻ này. Do được đào tạo xử lý các tình huống phát sinh, cùng việc có người nhà làm trong ngành y, anh Chi cũng biết sơ cứu tạm thời bằng cách cởi bớt áo cho nam thanh niên, không được giữ chân tay trong lúc đang lên cơn co giật.
Anh Chi (trái) và anh Thắng cùng hành khách được hỗ trợ cứu chữa kịp thời. Ảnh: Dân trí.
Nhớ lại giây phút chứng kiến sự việc, anh Chi vẫn có chút rưng rưng trong giọng nói: "Cũng là con người, nên khi nhìn thấy hành khách co giật, sùi bọt mép như vậy chúng tôi cũng thấy sợ lắm. Tuy vậy, chúng tôi phải trấn tĩnh và quan điểm là để cháu ở đó không được".
Theo anh Chi, ai trong hoàn cảnh của anh cũng sẽ làm như vậy. Nếu trong tình huống không gần trung tâm y tế gần nhất, anh sẽ buộc phải đi sai lộ trình để tìm nơi cấp cứu kịp thời cho nam hành khách. May thay, với cung đường quen thuộc mỗi ngày, anh chợt nhớ ra cách đây 1km có Trung tâm y tế Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Trước khi di chuyển, nam tài xế kịp thời gọi điện về Xí nghiệp xe buýt báo cáo sự việc.
Nghĩ là làm, ngay lập tức anh xin lỗi hành khách trên xe và đề nghị mọi người ở lại bến để kịp thời bắt tuyến xe buýt phía sau, không làm ảnh hưởng để lộ trình đi lại của họ.
Còn anh và phụ xe buýt tiếp tục nổ máy, đưa hành khách đến cấp cứu tại trạm y tế gần nhất. Anh Chi vẫn nhớ nguyên cảm giác cùng nhân viên phụ xe ôm cậu bé đang co quắp vào trung tâm y tế Đại Mỗ. Trong đầu anh chỉ tâm niệm đưa đi cấp cứu thật nhanh, để được nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra.
"Lúc đưa cháu đến trung tâm y tế, bác sĩ đo được huyết áp rất thấp. Cháu nằm lọt thỏm trong chiếc giường, nhìn rất xót ra", anh Chi nói.
Anh cùng phụ xe ngồi trông, theo dõi sức khỏe của nam hành khách không khác gì những người thân của họ. Bởi, bạn trẻ này chỉ đi một mình, điện thoại màn hình khóa chưa thể liên hệ với gia đình ngay. Một lúc sau, nam thanh niên này bắt đầu cắt cơn co, hồi tỉnh lại. Chính tay anh Chi tìm số, gọi điện cho người bố thông báo tình trạng sức khỏe của con trai.
Anh Chi kể: "Khi biết người bố đang ở Kiến Hưng, di chuyển đến Trung tâm y tế Đại Mỗ cũng rất xa, tôi cũng dặn dò ông bố không phải cuống, di chuyển cẩn thận vì tình hình sức khỏe của cháu đã ổn định".
Ngày làm việc kéo dài hơn vài tiếng đồng hồ để xử lý tình huống khẩn cấp này, song anh Chi cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã đưa hành khách đi cấp cứu kịp thời, làm tròn nhiệm vụ của mình. 30 phút sau người bố có mặt, gửi lời cảm ơn đến tài xế và phụ xe. Anh Chi cùng phụ xe cho rằng, nếu là những người khác gặp trường hợp tương tự, ai cũng sẽ làm như vậy.
Sau khi có gia đình đến đón cháu, anh cùng phụ xe mới có thể thở phào và tiếp tục lên xe buýt với lộ trình được vạch sẵn. Hơn chục năm trong nghề, anh Chi cũng gặp không ít những trường hợp phát sinh bất ngờ trên xe buýt.
Cách đây không lâu, anh cũng gặp một hành khách bị co giật trên xe. Tuy nhiên, họ không bị nặng như trường hợp trên, cũng nhanh chóng hồi phục và được người nhà đến đón về. Là công việc tiếp xúc với nhiều người, tham gia giao thông nhiều phương tiện khác, anh Chi cười khi nhiều người gán cho lái xe buýt là "hung thần xa lộ".
Bản thân anh và những tài xế khác luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ hành khách tốt nhất. Bất kể có tình huống gì xảy ra, anh cũng nhiệt thành giúp đỡ, không quản khó khăn.
Trước đó, chia sẻ về sự việc trên báo Tuổi trẻ, chị Phạm Thị Lan (nhân viên Trạm y tế phường Đại Mỗ) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co quắp, không tỉnh táo. Sau khi làm một số thao tác, khoảng 15 phút sau bệnh nhân đã tỉnh táo hẳn, nhận thức tốt.
Ca bệnh lên cơn co giật được tài xế và phụ xe buýt đưa đến trạm cấp cứu, chị Lan nói rất thiết thực và kịp thời. Chị nói tài xế cùng phụ xe rất nhiệt tình, dù bận việc vẫn sắp xếp ở lại với người bệnh cho đến khi gia đình nam thanh niên đến.
Anh Lê Văn Thắng (phụ xe) cũng chia sẻ về sự việc đáng nhớ trong sự nghiệp: "Gần 10 năm làm nghề, đây là lần đầu tôi gặp tình huống hành khách ngất xỉu trên xe buýt".
Bảo An (T/h)