Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tài xế Grab đồng loạt tắt ứng dụng phản đối hãng thu hộ thuế TNCN: Cục thuế TP.HCM cần làm gì?

(DS&PL) -

Nếu cần kiểm tra thông tin về khoản thuế TNCN mà Grab Việt Nam nộp hộ thì các tài xế có quyền yêu cầu bằng văn bản để Cục thuế TP.HCM kiểm tra và trả lời lại bằng văn bản

“Nếu các tài xế đối tác cần kiểm tra tính xác thực về khoản thuế TNCN mà Grab Việt Nam nộp hộ thì họ có quyền yêu cầu bằng văn bản để Cục thuế TP.HCM kiểm tra và trả lời lại bằng văn bản” – Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Mấy ngày vừa qua, gần 100 tài xế Grab 2 bánh (GrabBike, GrabExpress và GrabFood) tại TP.HCM đồng loạt tắt ứng dụng để tập trung phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab Việt Nam).

Gần 100 tài xế GrabBike tắt ứng dụng, phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân của Grab Việt Nam. Ảnh: VTC News

Về nguyên nhân vụ việc, các tài xế này cho rằng, Grab Việt Nam thu hộ thuế TNCN không thật sự minh bạch. Họ cũng không được biết vì sao hãng lại thu hộ khoản thuế này và tỷ lệ thu hộ là bao nhiêu.

Sau phản ứng của các tài xế, đại diện Grab tại Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 27/8/2019, Grab sẽ tạm dừng thu hộ thuế đối với các đối tác tài xế có mức thu nhập chưa đạt đến 100 triệu đồng/năm (tính đến thời điểm hiện tại) và sẽ hoàn trả số tiền đã thu vào ví của tài xế đối tác.

Ngoài ra, hãng cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn đối tác tài xế các phương án thu thuế dựa trên cơ sở đảm bảo tiếp thu ý kiến phản hồi của tài xế và phù hợp với các quy định của cơ quan thuế.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, qua nghiên cứu "Biên bản thỏa thuận hợp tác" giữa Grab và các tài xế đối tác thì giữa hai bên có nhiều nội dung thỏa thuận.

Trong đó, tại điểm 2.3 Điều 2, thỏa thuận phương thức thanh toán các khoản phí phát triển Grab Việt Nam sau khi đã trừ thuế TNCN và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) cho các tài xế.

Tại điểm 3.10 Điều 3, giữa Grab Việt Nam và tài xế cũng thỏa thuận là hãng sẽ giữ lại khoản tiền nghĩa vụ thuế TNCN và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp cho Nhà nước (nếu có) theo quy định luật pháp hiện hành để nộp thay cho tài xế vào Kho bạc.

Như vậy, có thể thấy, việc các tài xế mong muốn được giải thích các khoản thu nhập của mình đã bị trích, sử dụng như thế nào, tiền thuế có được nộp vào ngân sách Nhà nước hay không là một nguyện vọng chính đáng. Việc này, trách nhiệm trước tiên là thuộc về doanh nghiệp Grab. Công ty phải có trách nhiệm trả lời cho các tài xế được hiểu các khoản mà hãng đã trích nộp theo quy định của pháp luật. Nếu các tài xế không hài lòng và cần kiểm tra tính xác thực của thông tin thì họ có quyền yêu cầu bằng văn bản để Cục thuế TP.HCM kiểm tra lại và trả lời bằng văn bản cho các tài xế.

Điểm 2.3 Điều 2 và Điểm 3.10 Điều 3 trong "Biên bản thỏa thuận hợp tác" giữa Grab Việt Nam và tài xế đối tác.

Liên quan tới vấn đề thuế TNCN, vừa qua, Grab Việt Nam cũng dính “lùm xùm” khi tài xế Grabcar Nguyễn Văn Hưng (ngụ tại TP.HCM) khởi kiện đã thu thuế TNCN của ông nhưng không nộp lên Cục thuế.

Cụ thể, theo phản ánh của ông Hưng, ông đã hợp tác với Grab Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ GrabCar từ tháng 1/2018 đến 14/11/2018. Doanh thu khách hàng trong thời gian này là hơn 205 triệu đồng.

Bên cạnh việc thu phí sử dụng phần mềm 25% doanh thu, Grab còn thu 3,6% tổng doanh thu khách hàng để nộp hộ tiền thuế VAT và thuế TNCN cho ông Hưng.

Sau khi bị Grab đột ngột ngắt ứng dụng vào ngày 14/11/2018, ông đã rất nhiều lần đề nghị Grab Việt Nam phát hành cho ông chứng nhận đã nộp thuế VAT và thuế TNCN cho khoản thu nhập được phân chia của ông nhưng công ty này liên tục trì hoãn.

Để tìm hiểu vấn đề, ông đã làm đề nghị xin xác nhận nộp thuế TNCN lên Cục thuế TP.HCM nhưng hai lần, Cục thuế TP đều trả lời rằng không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông trong tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2018 của Grab Việt Nam trên hệ thống của cơ quan thuế.

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, quyền của người nộp thuế được quy định rõ tại Điều 6 của Luật Quản lý thuế. Theo đó, người nộp thuế được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; Nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế; yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế; Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế…

Cùng với đó, người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật; Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình; Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác…

Như vậy, việc các tài xế khởi kiện và đề nghị Tổng cục Thuế thanh tra là một việc làm được pháp luật công nhận.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo đó cơ quan quản lý thuế tổ chức thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; Công khai các thủ tục về thuế tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế;  Công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn; Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.

Do đó, khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo thì ngành thuế phải có nghĩa vụ nhanh chóng vào cuộc để xác minh làm rõ các thông tin và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo được biết.

Trước đó, ngày 20/5/2019, Cục thuế TP.HCM ra văn bản số 909/QĐ-CT-TT do Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Nam Bình ký về việc thanh tra thuế tại Công ty TNHH Grab. Các nội dung thanh tra gồm: Chấp hành pháp luật thuế GTGT, TNCN, TNDN, Giá chuyển nhượng. Thời kỳ thanh tra: 2017-2018. Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.

“Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thời hạn thanh tra đã hết, thế nhưng “lùm xùm” giữa Grab Việt Nam và tài xế về việc đóng và trích nộp thuế TNCN vẫn chưa chấm dứt. Vì vậy, trong trường hợp này, Cục thuế TP.HCM cũng cần phải công bố kết luận vì sao lại có những trường hợp tài xế được Grab Việt Nam thông báo thuế TNCN của họ đã được nộp vào ngân sách nhưng trên hệ thống của Cục thuế lại không có bất cứ thông tin nào về tình hình nộp thuế của các tài xế này” – Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.

Vũ Đậu

Theo thông tin từ Grab Việt Nam, thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn 384/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 8/2/2017 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Grab, công văn số 1531/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/4/2017 về việc Chính sách thuế TNCN đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của dịch vụ xe hai bánh, công văn 5729/CT-TTHT Cục Thuế TP.HCM ngày 19/6/2017 và công văn 357/CT-TTHT Cục Thuế TP.HCM ngày 11/1/2018 về chính sách thuế, Grab được phép thực hiện thu hộ thuế GTGT, thuế TNCN cho các đối tác tài xế xe hai bánh.

Theo đó, cá nhân kinh doanh vận tải nộp thuế GTGT, Thuế TNCN theo tỉ lệ % trên doanh thu cụ thể như sau: Tỉ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%. Còn tỉ lệ % để tính thuế TNCN trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu cá nhân nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng.

Tin nổi bật