Theo luật sư, hành vi của người lái xe container quá nguy hiểm, thể hiện thái độ bất chấp pháp luật, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Nếu biết hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cảnh sát giao thông nhưng vẫn cố tình thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đủ căn cứ để xử lý người lái xe về tội “Giết người”.
Theo Công an Nhân dân, sáng ngày 1/7 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Can Lộc đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lưu Văn Châu (26 tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) về hành vi chống người thi hành công vụ và ra quyết tạm giữ hình sự đối với Châu.
Châu là người điều khiển xe container đánh lái hất văng thượng úy Nguyễn Anh Đức (Đội CSGT phía bắc, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh) rơi xuống đường bị thương nặng vào chiều 30/6.
Sau khi thông tin về vụ việc ở Hà Tĩnh được đăng tải, dư luận bày tỏ bức xúc về mức độ nghiêm trọng của tài xế xe container và đánh giá rằng đây là hành vi quá nguy hiểm.
Liên quan đến vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của người lái xe container là quá nguy hiểm, thể hiện thái độ bất chấp pháp luật, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Khi đã thấy cảnh sát giao thông bám vào gương chiếu hậu ở phía bên trái mũi xe rồi mà vẫn còn lao xe vào giải phân cách cứng gây nguy hiểm cho tính mạng của cảnh sát giao thông. Trong tình huống này, cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể bị ép vào giải phân cách hoặc bị cuốn vào gầm xe để dẫn đến thiệt mạng. Thực tế, hậu quả đã làm chiến sĩ cảnh sát giao thông chấn thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu…
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội |
“Với diễn biến hành vi và hậu quả như vậy thì có thể xem xét xử lý lái xe container về hành vi giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung quy định tại điểm d, khoản 1 là "Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân", chứ không đơn thuần là tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự” – luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, để xử lý về tội giết người thì cơ quan điều tra cần làm rõ yếu tố lỗi, động cơ, mục đích của người lái xe này.
“Nếu kết quả điều tra có đủ căn cứ xác định: Người lái xe Container biết hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của anh cảnh sát giao thông đó nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đủ căn cứ để xử lý người lái xe này về tội giết người. Còn nếu chỉ là hành vi bỏ chạy làm cảnh sát giao thông rơi xuống đường, không có ý định xâm hại hoặc bỏ mặc nguy hiểm tính mạng của người bị hại thì mới không xử lý về tội giết người, chỉ xử lý về tội chống người thi hành công vụ” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Trước đó, báo chí phản ánh, chiều 30/6, trên QL 1A đoạn qua xã Vượng Lộc, Can Lộc, tổ công tác Phòng CSGT đường bộ và đường sắt Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ phát hiện chiếc container BKS 77C – 01647 kéo theo rơ móc BKS 77R – 00137 do Lưu Văn Châu điều khiển vi phạm tốc độ và ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên khi dừng xe, tài xế Châu không xuất trình giấy tờ vì cho rằng không vi phạm tốc độ rồi bỏ lên xe đóng cửa lại rồi nhấn ga chạy.
Hình ảnh chiến sĩ CSGT bám vào gương chiếu hậu phía trước đầu xe container - Ảnh cắt từ clip |
Lúc này, thượng úy Lê Hồ Việt Anh đang đứng trước xe kịp thời tránh sang một bên, còn thượng úy Lê Anh Đức đã nhảy lên bám vào gương chiếu hậu ở bên trái đầu xe.
Biết có chiến sỹ CSGT đang bám ở đầu xe nhưng tài xế vẫn cố tình lái xe chạy nhanh quãng đường khoảng 400m rồi đánh lái sang trái hất văng thượng úy Đức rơi xuống đường. Bị hất văng vào dải phân cách cứng, thượng úy Đức bị chấn thương nặng phải nhập viện điều trị.
Chiếc xe container nói trên sau khi hất văng thượng úy Đức vẫn tiếp tục bỏ chạy thêm một lúc nữa thì bị xe CSGT đuổi theo chặn lại.
Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. |
Tiểu Phương (ghi)