Sau hơn nửa năm nỗ lực tìm kiếm, thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa tìm thấy. Điều gì khiến xác nạn nhân không nổi như những trường hợp thông thường?
Sáng 14/4, sau 2 tiếng xét hỏi, TAND TP Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ vụ án "Cát Tường" để yêu cầu điều tra bổ sung, do phát sinh một số vấn đề về chuyên môn y tế không thể làm rõ tại tòa. Vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm không chỉ bởi liên quan đến vấn đề y đức, mà còn bởi đây là trường hợp khá hy hữu khi cho đến nay, sau 6 tháng nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân, vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền bị các đối tượng ném xuống sông Hồng…
|
Phiên toà xét xử vụ Cát Tường hôm 14/4 đã bị hoãn lại bởi nhiều vấn đề về chuyên môn y tế không thể làm rõ tại toà. |
Trước khi xảy ra vụ án "Cát Tường", tại một số thẩm mỹ viện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã từng xảy ra sự cố bệnh nhân tử vong khi đến các địa chỉ này làm đẹp, trong đó có phẫu thuật nâng ngực. Tuy nhiên, các trường hợp này, sau khi xảy ra chết người, chủ sơ cở đều trình báo Cơ quan Công an. Chưa có vụ việc nào bị khởi tố về tội "giết người".
Thế nhưng việc bác sĩ thẩm mỹ trực tiếp mang xác bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật ném xuống sông Hồng phi tang như vụ "Cát Tường" thì lần đầu tiên xảy ra và trở thành chuyện động trời trong ngành y tế khiến dư luận xã hội bàng hoàng, phẫn nộ.
Trong suốt quá trình điều tra và thực nghiệm điều tra, lời khai của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường (bác sĩ) và bảo vệ Đào Quang Khánh khớp nhau về việc chở xác chị Lê Thị Thanh Huyền trên ôtô của Tường đến khu vực cầu Thanh Trì rồi ném xuống sông Hồng. Ngoài ra, căn cứ vào hiện trường vứt xác nạn nhân, hiện trường nạn nhân bị tử vong tại Thẩm mỹ viện Cát Tường nên dù chưa tìm được thi thể nạn nhân nhưng có đủ căn cứ để xác định việc ném xác chị Huyền xuống sông Hồng là có thật.
Xét về mặt tâm lý, do việc chị Huyền bị tử vong xảy ra đột ngột nên chắc chắn đối tượng Nguyễn Mạnh Tường sẽ bị cuống trong xử lý. Đối tượng lại có ôtô nên việc dùng ôtô chở xác đi phi tang là phù hợp.
Vậy, lý do gì khiến cho việc tìm kiếm thi thể nạn nhân chưa có kết quả?
|
Gia đình chuẩn bị lễ cầu siêu cho chị Huyền, nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường. |
Qua tìm hiểu, thực tế các vụ chết trôi sông xảy ra trên địa bàn Hà Nội, đa số là tai nạn rủi ro (như chìm đắm tàu, đuối nước) hoặc tự sát. Những vụ án mạng đối tượng vứt nạn nhân xuống sông đã được phát hiện cũng đã xảy ra nhưng không nhiều. Gần đây nhất, tháng 1/2014, TAND TP Hà Nội tuyên án chung thân về tội "giết người" đối với Nguyễn Kim Đức (49 tuổi, trú ở phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) đã nhẫn tâm ném vợ là bà Nguyễn Thị Hiền (51 tuổi) xuống sông Đuống với lý do vợ đau ốm lâu năm sinh ra chán chường, muốn chết.
Trước đó, ngày 7/8/2012, do mâu thuẫn, Trần Văn Lâm, ở Lâm Thao, Phú Thọ đã ném vợ là chị Phạm Thị Thu Huyền từ trên cầu Thăng Long xuống sông Hồng. Tòa án đã xét xử và tuyên án "tử hình" đối với Trần Văn Lâm. Trong 2 vụ án trên, 2 nạn nhân đều bị ném xuống sông khi đang còn sống và đều tìm vớt được xác sau đó ít ngày. Đối với vụ việc ném nạn nhân sau khi đã tử vong xuống sông và không tìm được xác như vụ án "Cát Tường" có lẽ là một vụ hy hữu nhất từ trước đến nay.
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Công an đã rất tích cực, nỗ lực phối hợp cùng gia đình trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhân. Việc rà soát, tìm kiếm dọc tuyến sông Hồng đã được tiến hành kỹ lưỡng và công phu, từ điểm đối tượng khai ném xác nạn nhân là cầu Thanh Trì cho đến khu vực cửa biển tại Thái Bình. Tất cả những vụ phát hiện xác nổi trên sông Hồng đều được cơ quan chức năng vớt xác, kiểm tra, khám nghiệm nhưng xác định đó không phải thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền.
Một câu hỏi đặt ra là nếu bị ném xuống sông, thì vì sao xác nạn nhân lại không nổi? Bởi thực tế có rất nhiều vụ án mạng, đối tượng cố tình phi tang xác nạn nhân bằng cách cho vào bao tải buộc đá nhưng xác vẫn nổi.
Trước hết, căn cứ vào lời khai của các đối tượng Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh, khi vứt xác từ trên cầu Thanh Trì xuống sông Hồng, nạn nhân đã được bọc trong túi nilon. Theo phân tích của một cán bộ kỹ thuật hình sự, nếu là túi nilon kín thì càng dễ nổi; nếu là túi nilon hở sẽ bị nước vào khiến xác nạn nhân chìm xuống. Quá trình phân hủy thông thường trong khoảng thời gian 3-4 ngày, xác sẽ nổi lên mặt nước, theo kinh nghiệm dân gian là "nam sấp nữ ngửa". Sở dĩ xác nổi là do 2 loại vi khuẩn là hiếm khí và kỵ khí sinh ra trong cơ chế hư thối sẽ sinh hơi từ trong các mô. Đó cũng là lý do vì sao trường hợp nạn nhân bị phân xác thì một phần thi thể cũng vẫn nổi và được phát hiện.
Tuy nhiên, thời gian xác phân hủy và nổi phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố vật lý, hóa học như môi trường, điều kiện thời tiết, mực nước… Thời tiết nóng, ẩm, môi trường nước bị ô nhiễm cao thì xác càng dễ phân hủy và nhanh nổi. Thời tiết lạnh, nước ít ô nhiễm, quá trình phân hủy sẽ chậm hơn. Môi trường nước khu vực sông Hồng nơi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị ném xác được đánh giá là môi trường bình thường do đây là dòng chảy, nếu có ô nhiễm thì cũng bị dòng chảy pha loãng nhanh.
Ngoài ra, thời gian nổi còn phụ thuộc vào cơ địa của nạn nhân. Nếu nạn nhân có thể tạng béo hoặc có bệnh trong người thì phân hủy nhanh hơn người bình thường. Đối với trường hợp chị Lê Thị Thanh Huyền, có thông tin cho rằng việc trước đó nạn nhân đã phẫu thuật hút mỡ nên ảnh hưởng đến quá trình nổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội thì việc hút mỡ này không ảnh hưởng bởi lượng mỡ hút để phẫu thuật là rất nhỏ. Về thông tin bị can Đào Quang Khánh khai trước khi vứt xác chị Huyền xuống sông, Khánh có nhìn thấy hai vết rạch dài ở phần bụng dưới của nạn nhân. Bác sĩ Hải cho biết, nếu có vết rạch ở bụng nạn nhân như vậy thì độ bội nhiễm càng nhanh, khiến cho việc phân hủy xác dễ hơn so với vết hút mỡ bằng xi lanh.
|
Dẫn giải Nguyễn Mạnh Tường đến nơi vứt xác nạn nhân trên cầu Thanh Trì. |
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải nhận định, trường hợp nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị ném xác xuống sông Hồng đến nay chưa tìm thấy thi thể, có thể do các nguyên nhân sau: Một là thi thể nạn nhân bị dòng chảy cuốn vào khe dưới đáy sông và mắc lại ở đó. Hai là dòng xoáy địa chất do lưu lượng chuyển động của nước ở vị trí xác nạn nhân chìm xuống bị cát vùi lấp hoặc mắc vào các vật dưới lòng sông rồi kẹt luôn ở đó khiến xác không nổi được.
Khả năng xác nạn nhân bị trôi ra biển khó xảy ra hơn bởi trường hợp nếu xác nổi trôi qua các địa phương sẽ được chính quyền và nhân dân tại các nơi này phát hiện, trục vớt. Nhất là sau khi vụ án được phát hiện, cơ quan chức năng đã có thông báo gửi các địa phương đề nghị phối hợp phát hiện, thông tin khi phát hiện có tử thi trên sông.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là các giả thiết đặt ra. Dù người nhà nạn nhân hết sức bức xúc và cho rằng cần xử lý bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người nhưng một khi chưa tìm được thi thể nạn nhân thì khó có bằng chứng để kết tội. Chưa tìm thấy thi thể nạn nhân cũng khiến cho vụ án "Cát Tường" trở nên "bí ẩn" với nhiều câu hỏi chưa có lời giải chính xác nhất.