Tại sao có sử dụng rượu bia nhưng thổi nồng độ cồn vẫn không vi phạm?
Theo báo Dân trí, tối 12/3, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn tại ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nhiều tài xế điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Trong đó có nhiều tài xế là nữ giới, và cũng đã có trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Vào khoảng 20h50 cùng ngày, CSGT phát hiện ô tô mang BKS 30K-673.xx, do một người phụ nữ điều khiển, có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra.
Tại chốt CSGT, danh tính người phụ nữ được làm rõ là chị P.T.K.Y. (SN 1979, ở Hà Nội). Qua kiểm tra nồng độ cồn, tổ công tác phát hiện chị Y. vi phạm ở mức 0,194mg/lít khí thở.
Nữ tài xế thừa nhận có uống rượu nhưng thổi nồng độ cồn không lên kết quả vi phạm thì không bị xử phạt.
Ảnh: Dân trí.
Trình bày với tổ công tác, chị Y. cho hay, do buổi tối cùng ngày, nữ tài xế có ăn liên hoan với bạn bè và trót uống một cốc bia. Chị Y. nói rằng bản thân vui vẻ chấp hành việc xử phạt của lực lượng chức năng và hứa sẽ không tái phạm. Với vi phạm này, chị Y. sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Sau đó không lâu, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một trường hợp khác cũng là một nữ tài xế có biểu hiện vi phạm nồng độ cồn. Vào lúc 21h11, tổ công tác phát hiện ô tô mang BKS 30A-551.xx, do một nữ tài xế điều khiển, trên xe chở theo chồng chị này.
Khi vừa mở cửa xe, tổ công tác phát hiện trong ô tô do người phụ nữ kể trên nồng nặc mùi rượu. Trình bày với Tổ công tác, nữ tài xế ô tô cũng thừa nhận bản thân và chồng mình đã sử dụng rượu, bia vào chiều 12/3. Tuy nhiên khi cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn, người phụ nữ nêu trên lại không vi phạm.
Lý giải về trường hợp này, Thiếu tá Lê Văn Đông, tổ trưởng tổ công tác cho biết, mặc dù nữ tài xế đã thừa nhận uống rượu, nhưng khi cảnh sát kiểm tra, máy báo cho kết quả là không vi phạm, điều này hoàn toàn bình thường.
"Tùy theo cơ địa của từng người khác nhau, mà nồng độ cồn trong cơ thể của họ sẽ bị đào thải nhanh hoặc chậm. Đối với trường hợp này, khi máy đo nồng độ cồn không cho kết quả, thì nữ tài xế sẽ không vi phạm. Quan điểm xử lý vi phạm của chúng tôi là không vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ nên kể cả các trường hợp phụ nữ vi phạm thì chúng tôi vẫn xử lý bình thường", Thiếu tá Đông chia sẻ.
Uống bia 0 độ có vi phạm nồng độ cồn không?
Thời gian gần đây khi việc kiểm soát các tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện ngày càng được lực lượng chức năng xử lý nghiêm, tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại đồ uống rượu bia nhưng lại ghi rõ trên nhãn mác là "0 độ" hay "không cồn". Trước thông tin này, nhiều người cũng thắc mắc là trường hợp sử dụng những thức uống này thì thổi máy đo nồng độ cồn có lên không? Và lực lượng chức năng xử lý các trường hợp này như thế nào?
Uống bia 0 độ thì vẫn có thể vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa.
Giải đáp thắc mắc này trên báo Giao thông, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng bộ phận điều trị Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, bia không cồn là sản phẩm được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép.
Trên thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5% bởi mỗi quốc gia có quy định nồng độ cồn trong bia khác nhau. Ví như theo quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống nồng độ cồn dưới 0,5% có thể xem là không cồn, còn tại Italy, bia 0 độ vẫn chứa nồng độ cồn tới 1,2%, tại Anh là 0,05%.
Chính vì vậy, nếu sử dụng bia 0 độ thì khả năng hơi thở bạn vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Nếu uống bia 0 độ, nhất là uống nhiều mà tham gia giao thông ngay, thì khi bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn vẫn có thể có mức vi phạm. Như vậy, tốt nhất không nên sử dụng bia, dù là bia 0 độ trước khi tham gia giao thông.
Cũng thông tin về vấn đề này, cán bộ CSGT nhiều đội của Công an TP Hà Nội cũng cho biết, chưa thấy hiện tượng người vi phạm nồng độ cồn thông tin là uống bia không cồn trước khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra.
"Hơn nữa, việc người điều khiển phương tiện giao thông uống gì trước khi đo nồng độ cồn, chúng tôi không thể kiểm soát được. Nếu họ uống bia rượu có cồn sau đó gặp CSGT lại bảo là uống bia không cồn thì cũng không có gì chứng minh điều họ nói. Chính vì thế, chúng tôi chỉ căn cứ vào kết quả đo thực tế khi kiểm tra, nếu có nồng độ cồn trong hơi thở chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý theo quy định", vị cán bộ CSGT này nói.
Bảo An (T/h)