Theo tin tức chứng khoán trên báo Dân trí, thị trường tạm nghỉ sau phiên giao dịch sáng nay (26/9) với tâm lý lo lắng, bất an, đặc biệt là những người vừa giải ngân mua cổ phiếu sáng nay.
Trong phiên sáng, các chỉ số có thời điểm tăng giá, nhiều người nôn nóng mua đuổi giá "xanh" vì sợ mất lượt (tâm lý fomo) khi thị trường hồi phục trở lại. Theo đó, một lượng tiền đổ vào mua cổ phiếu cao gấp đôi so với sáng hôm qua.
Số lượng mã giảm giá áp đảo trên toàn thị trường với 622 mã giảm giá so với 273 mã tăng. Trong đó, rổ VN30 có 22 mã giảm, 8 mã tăng.
VIC tiếp tục là cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đối với VN-Index trong sáng 26/9. Nguồn: VNDS
VIC thiệt hại nặng nhất trong rổ VN30, giảm 3% còn 45.100 đồng. Theo đó, mã này tiếp tục là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, kéo sụt chỉ số 1,36 điểm. Các mã khác tiếp tục giảm mạnh là GVR giảm 2,7%; BCM giảm 2,1%; BID giảm 1,8%; VNM giảm 1,7%; SSB giảm 1,5%; VRE giảm 1,5%.
Tạm tính đến trưa nay, VIC đã giảm tổng cộng 30.500 đồng tương ứng 40,34% so với đỉnh 75.600 đồng thiết lập hôm 16/8. VN-Index cùng thời gian cũng đã giảm tới 98 điểm (tương ứng điều chỉnh 7,88%).
Trước đó, trong giai đoạn cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, khi VinFast chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq thì VIC đã có cú "bốc đầu" mạnh mẽ từ khoảng 51.100 đồng lên 76.000 đồng (tức tăng 49%).
Mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn.
Cập nhật này sau khi ông Vượng chuyển cổ phần sang 2 doanh nghiệp là Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI và Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).
Tại thị giá của VIC lúc này, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khoảng 31.176 tỷ đồng, giảm khoảng 21.084 tỷ đồng so với đỉnh.
Về tin tức cổ phiếu VinFast mới nhất trên sàn chứng khoán Mỹ, Kiến thức & Đầu tư đưa tin, mới đây, VinFast đã công bố báo cáo bạch liên quan đến việc chào bán ra công chúng tổng cộng hơn 72 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 3,1% số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành tính đến ngày 20/9.
Điều này bao gồm việc bán cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho đối tác Gotion Inc. cũng như một số giao dịch phát hành khác theo các cam kết liên quan đến việc hợp nhất Black Spade Acquistion và phát hành để thực hiện chứng quyền.
Trong đợt chào bán này nổi bật nhất phải kể đến 2 công ty đầu tư riêng của ông Phạm Nhật Vượng là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star) sẽ bán ra 46,29 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2% số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Nếu tính theo mức giá cổ phiếu VFS hiện tại khoảng 16 USD/cổ phiếu, tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự thu về khoảng 17.000 tỷ đồng.
Vân Anh (T/h)