Theo tin tức chứng khoán trên báo Dân trí, trong giai đoạn cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, trước thềm VinFast niêm yết cổ phiếu trên trên sàn chứng khoán Nasdaq tại Mỹ, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup có cú "bốc đầu" rất mạnh mẽ từ khoảng 51.100 đồng lên 76.000 đồng (tức tăng 49%) nhưng hiện tại, mức giá đã chiết khấu mạnh.
Theo đó, cổ phiếu VIC trong phiên sáng nay (14/9) giảm 3,7% còn 57.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch ở mức cao, đạt 12,86 triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu VIC giảm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn bao nhiêu “tiền”?
Trước đó, vào phiên hôm qua, cổ phiếu VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh gần 97 tỷ đồng. Tính đến nay, VIC đã giảm 18.600 đồng/cổ phiếu so với đỉnh thiết lập ngày 16/8, tương ứng mức giảm 24,6%. VN-Index trong cùng thời gian giảm 11 điểm, tương ứng giảm 0,89%.
Mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Phạm Nhật Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. Tạm tính theo thị giá của VIC, giá trị tài sản của Phạm Nhật Vượng khoảng 39.420 tỷ đồng, giảm khoảng 12.900 tỷ đồng so với đỉnh.
Cập nhật này sau khi ông Vượng chuyển cổ phần sang 2 doanh nghiệp là Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI và Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).
Về tin tức cổ phiếu VinFast Auto (VFS), theo báo Vietnamnet, mở cửa phiên giao dịch chính thức ngày 13/9, cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm giá.
Tính tới 21h55 ngày 13/9 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS giảm gần 2,5% so với phiên liền trước xuống 16,78 USD/cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều so với mức giá chào sàn hơn 37 USD/cổ phiếu hôm 15/8. Vốn hóa của VinFast xuống mức gần 39 tỷ USD.
Với mức vốn hóa 39 tỷ USD, VinFast đứng ở vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng vốn hóa các hãng xe hơi trên thế giới, xếp sau hầu hết các hãng xe có tên tuổi trên thế giới như BMW của Đức hay Honda của Nhật và chỉ còn trên một số hãng xe lâu đời trên thế giới, gồm Hyundai và Kia.
Cổ phiếu VinFast có xu hướng biến động ít hơn sau 3 tuần biến động mạnh, kể từ khi lên sàn Nasdaq. Cổ phiếu VFS hiện có dấu hiệu ổn định hơn ở quanh ngưỡng 16-17 USD/cổ phiếu.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters đưa tin, VinFast có ý định đầu tư xây nhà máy ô tô điện trị giá 200 triệu USD tại Indonesia vào năm 2026. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng thêm tại thị trường tại Châu Á.
Nếu VinFast xây nhà máy ở Indonesia, đây sẽ là nhà máy thứ ba của hãng này bên cạnh nhà máy chính ở Hải Phòng và nhà máy ở Bắc Carolina (Mỹ) dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Vân Anh (T/h)