Điểm nghẽn từ ngân hàng
Theo số liệu từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82\% so với cuối năm 2013. Mức tăng này có phải là thấp? Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14\% trong năm nay có đạt được hay không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho rằng muốn tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận tốt phải xác định có chiến lược đầu tư bài bản, đúng đắn không xa dời mục tiêu ban đầu, không ăn xổi ở thì.
“Với mục tiêu tăng trưởng 12 - 14\% trong năm nay có thể là cao nhưng so với GDP và CPI là tương đối phù hợp. Tất nhiên các cơ sở khoa học không đầy đủ, nhưng ở Việt Nam phải làm theo cách Việt Nam. NHNN đang nghiên cứu, năm 2015 xin ý kiến chuyên gia có định hướng tăng tín dụng ngành trong 2015 và năm tới. Tới đây có chuẩn mực hơn, ngay như mức tăng tín dụng của từng ngân hàng”, ông Đông cho biết thêm.
Về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường đào tạo & phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, cho rằng tăng trưởng bao nhiêu không quan trọng mà quan trọng là bao nhiêu vốn thực được đổ vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, câu chuyện khó đẩy vốn ra thị trường có nguyên nhân từ nhiều phía, không chỉ từ doanh nghiệp mà cả ngân hàng.
Trước hết là điểm nghẽn nợ xấu. Đây là điểm nghẽn Thông tư 09, áp dụng từ 1/6/2014. Việc áp dụng thông tư này đã nảy sinh một số vấn đề như tăng nợ cho cả ngân hàng và doanh nghiệp; cấm cửa luôn cả doanh nghiệp vì nhiều khoản buộc phải chuyển sang nợ xấu.
“Vấn đề này là mình tự làm, nhưng rất cần xem xét. Miễn giảm lãi suất thực chất để gỡ khó cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ gốc với ngân hàng. Nếu chuyển đồng loạt tất cả doanh nghiệp phải áp dụng theo quy định của Thông tư 09 là tự làm khó mình. Vậy nên khi xem xét một vấn đề không nên quá định kiến, bởi không phải lúc nào cũng bị hạn chế”, bà Mùi phân tích.
Hình minh họa. |
Một điểm nghẽn nữa, đó là cách làm việc của các ngân hàng. Tại sao các ngân hàng lại cứ phải thu phí trả nợ trước hạn với doanh nghiệp nhỏ và vừa? Theo các ngân hàng, nguyên nhân là để hạn chế chảy vốn từ ngân hàng mình sang ngân hàng khác; hạn chế khách hàng trả nợ trước hạn trong bối cảnh tìm được khách hàng tốt.
Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp trả nợ trước hạn nhiều trong bối cảnh tràn lan các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Thực tế, doanh nghiệp hiểu rõ thực chất của những gói tín dụng ưu đãi đó là gì. Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp có cần thêm một gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nữa hay không mà cần phải tính toán từ nhu cầu thực tiễn của thị trường.
“Thực tế doanh nghiệp rất sợ bị mắc lừa ngân hàng khi vay trung và dài hạn. Gói tín dụng ưu đãi đấy, nhưng khách hàng nào hữu hảo lắm thì cũng chỉ được ưu đãi 1 năm. Sau thời gian đó lãi suất theo thị trường, do ngân hàng quyết định. Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp tốt thực sự e ngại vấn đề thỏa thuận lãi suất, bởi khi nói rằng lãi suất thỏa thuận thì doanh nghiệp không bao giờ được thỏa thuận”, bà Mùi cho biết.
Ngoài ra, vấn đề năng lực thẩm định dự án, phương án và năng lực của khách hàng cũng là câu chuyện cần bàn. “Nếu thẩm định chuẩn, sâu, không có rủi ro đạo đức thì ngân hàng mới có điều kiện mở rộng tín dụng. Thẩm định mà cứ vặn vẹo doanh nghiệp những vấn đề mà đáng lẻ ra phải hiểu hơn doanh nghiệp rất nhiều thì ngân hàng rất khó tăng tín dụng. Mấu chốt vấn đề, là ngân hàng cần phải xem khách hàng đó có thiện chí trả nợ không, tài sản thế nào?...”, bà Mùi bình luận.
Ửng xử của ngân hàng
Dù vậy, câu chuyện nghẽn tín dụng cũng xuất phát từ vấn đề thị trường. Ông Lê Công, Tổng giám đốc MB, cũng cho rằng sức cầu yếu của nền kinh tế chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức cao; do đó các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tồn kho mà chưa nghĩ đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Niềm tin của doanh nghiệp về sự phục hồi của nền kinh tế tương đối mong manh, do đó, các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư mà chủ yếu ở tư thế phòng thủ, chờ đợi những tín hiệu tích cực và rõ nét hơn về một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng”, ông Công cho biết thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho rằng có nhiều ngành kinh tế đang gặp khó khăn, không cần phải tăng trưởng tín dụng. Thực tế, có những khó khăn trong cơ chế khiến cho tín dụng rất khó phát triển. Ví như lĩnh vực tiêu dùng, cho vay nhà thu nhập thấp chủ yếu vướng cơ chế, còn thị trường phân khúc trung bình phát triển rất tốt, chỉ do không có cơ chế.
“Ví dụ, thời gian dài ở Mỹ mỗi năm 1 công dân được trừ 3.000 USD vào thu nhập của họ, nếu đó là khoản phải trả lãi suất ngân hàng (Chính phủ hỗ trợ). Ở Mỹ, ai đi làm đều có nhà trong 30 năm. Chúng ta nên nghĩ đến một cái gì đó công bằng hơn, tại sao công chức được hỗ trợ mua nhà còn người khác lại không?”, ông Khánh phân tích.
Tuy nhiên, không phải là không “còn cửa” cho các ngân hàng mà vấn đề là phải chịu khó, “năng nhặt, chặt bị” thì tăng trưởng tín dụng mới tốt.
“Thực tế có nhiều ngành, vùng vẫn có tăng trưởng và nhu cầu tín dụng ổn định như: sản xuất hàng thiết yêu ăn, mặc, uống; thức ăn chăn nuôi, phân bón... Ngay cả ngành khó khăn, vẫn có doanh nghiệp phát triển tốt như thép Hoà Phát”, ông Khánh phân tích.
Hay như, với khách hàng là doanh nghiệp lớn cũng cần có sự linh hoạt. “Đầu năm, cho vay nhóm khách hàng này rất khăn, để tăng trưởng tín dụng, ngân hàng phải cho vay tín chấp. Nay đến nửa cuối năm, lượng giải ngân lớn đã giúp SeABank có bước tăng trưởng tín dụng tốt. Dự kiến, SeABank sẽ xin NHNN nới “quota” từ 13\% lên 25\% trong năm 2014”, ông Khánh cho biết.
Ngoài ra, để mở rộng tín dụng, ngân hàng sẽ quan tâm tới những khoản vay nhỏ mà trước đây bỏ qua.
“Trước kia ngân hàng sướng lắm “ngồi mát ăn bát vàng”, doanh nghiệp nài nỉ mãi mới cho vay. Nhưng giờ đây, dịp trung thu này, lãnh đạo cao cấp ngân hàng bận nhất chỉ đi tặng quà, lượng quà mà doanh nghiệp khách hàng tặng lại rất ít. Chúng tôi phải chăm sóc khách hàng tốt, nếu không một ngày đẹp trời họ sẽ đáo hạn trước và bỏ đi”, ông Khánh cho biết.