(ĐSPL) - Damacus sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo, khi Washington đang cân nhắc mở rộng cuộc chiến chống IS vào lãnh thổ Syria.
Về phần mình Nga, nước ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây và Arập cùng với chính phủ ở Damascus chiến đấu chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan.
|
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 24/8 đã để ngỏ khả năng hợp tác với một loạt các quốc gia - kể cả Mỹ, Anh và Arập Xêút. |
Theo Reuters, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 24/8 đã để ngỏ khả năng hợp tác với một loạt các quốc gia - kể cả Mỹ, Anh và Arập Xêút vốn đang hỗ trợ cuộc nổi dậy chống chế độ Assad.
Ông Moualem nói Syria vốn là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đang chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn của Syria, Iraq và tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo.
Ngoại trưởng Moualem nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình: "Xét về địa lý và địa bàn tác chiến, Syria chính là trung tâm của liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo. Các nước khác phải đến với Syria, nếu thực sự nghiêm túc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.
Khi được hỏi về triển vọng của các cuộc không kích của Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo bên trong lãnh thổ Syria, Ngoại trưởng Moualem cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào đều phải phối hợp với Damascus, nếu không sẽ bị coi là “gây hấn”. Ông cũng kêu gọi chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia láng giềng và đề nghị hợp tác với Arập Xêút, nước đang ủng hộ các cuộc nổi dậy chống chế độ Assad.
Ngoại trưởng Moualem cũng lên án vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley, người đã bị chiến binh của Nhà nước Hồi giáo xử trảm dường như ở Syria. Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đã thất bại trong nỗ lực giải cứu Foley và con tin Mỹ khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Fabrice Balanche - chuyên gia phụ trách nhóm nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông thuộc Maison de l’Orient – nhận định Tổng thống Assad đang trên đà giành thắng lợi tại Syria. Ông Balanche nói: “Vấn đề cần biết là ông ta (Assad) sẽ tái lập sự kiểm soát lãnh thổ với tốc độ nào, phải chăng là trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia hay ông ta sẽ để lại một số vùng tự trị”.
Quân đội của chế độ Assad đã chiếm lại được nhiều khu vực trước đây do Quân đội Syria tự do kiểm soát.
Được phương Tây coi là nòng cốt của phe đối lập ôn hòa, Quân đội Syria tự do đã suy yếu và cùng một lúc phải đối phó với hai lực lượng: quân chính phủ Syria và các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo.
Tình hình Syria lại được phương Tây quan tâm trở lại do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhà nước Hồi giáo. Đây là một tổ chức cực đoan, có nguồn gốc từ Nhà nước Hồi giáo Iraq (tuyên bố thành lập năm 2006) và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông (vào năm 2013), rồi thành Nhà nước Hồi giáo hồi cuối tháng Sáu vừa qua. Nhà nước Hồi giáo hiện kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq.
Phương Tây quyết tâm diệt trừ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “một khối ung thư”. Đây quả là một “mónquà trời cho” đối với Tang thống Bashar al-Assad. Ngay từ năm 2011, ông Assad đã cho rằng các tổ chức khủng bố vũ trang là chủ mưu gây ra làn sóng phản đối chế độ ở Damascus.
Theo ông Bertrand Badie - chuyên gia về quan hệ quốc tế, Tổng thống Bashar al-Assad đang triệt để khai thác vấn đề Nhà nước Hồi giáo “như con ngáo ộp để lôi kéo người dân về phía chế độ và làm suy yếu các lực lượng nổi dậy khác”. Còn trên phạm vi quốc tế, “tất cả mọi người đều muốn Assad tiếp tục cầm quyền thay vì ông ta bị lật đổ và Nhà nước Hồi giáo tiến vào tận thủ đô Damascus”.
Sau khi tìm cách lật đổ Bashar al-Assad, phương Tây lại phải nói chuyện với nhà độc tài này, bởi vì một số căn cứ của Nhà nước Hồi giáo nằm trên lãnh thổ Syria và Bashar al-Assad sẽ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố này.
Tại London, Ngoại trưởng Anh Philipp Hammond dường như đang chuẩn bị cho khả năng này. Hôm 22/8, ông tuyên bố: “Có thể là vào một số dịp nào đó, chúng tôi đấu tranh chống lại những kẻ mà ông Assad cũng đang chống, nhưng điều này không biến ông ta thành đồng minh của chúng tôi”.
Chuyên gia Fabrice Balanche nhấn mạnh: “Hiện nay, không có nước nào khác ngoài Pháp và Arập Xêút chống lại chế độ Syria, còn Mỹ thì từng nói rằng thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng phe đối lập có thể thay thế Bashar al-Assad. Từ một năm nay, người ta đã hiểu rằng chế độ này sẽ tiếp tục tồn tại”.