Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Suối mồ hôi đổ, đổi chiều cao tăng

(DS&PL) -

Cầm kết quả kiểm tra sức khỏe của con gái trên tay mà người mẹ trẻ Trần Dung (Hà Nội) chết lặng.

Cầm kết quả kiểm tra sức khỏe của con gái trên tay mà người mẹ trẻ Trần Dung (Hà Nội) chết lặng. Chị tự trách bản thân vì đã không sát sao con và rồi giờ đây chị cùng con gái đang phải trải qua quá trình tập luyện khắt khe. Nói không ngoa, để con tăng thêm một vài centimet chiều cao, hai mẹ con chị phải đổ cả suối mồ hôi.

Dậy thì sớm, chiều cao dừng

Cách đây 1 năm, chị Dung có đưa con gái T.L. (10 tuổi) đến khám tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, khi đó con được chẩn đoán là bình thường. Bằng linh cảm của một người mẹ, chị Dung thấy sự phát triển của con bất bình thường do năm bé 9 tuổi chị thấy con nhú ngực. Nhưng rồi vì công việc cuốn đi nên chị cũng lãng quên, không còn để tâm đến điều này.

Cho đến tháng 5/2020, người mẹ trẻ thấy con có dấu hiệu tăng cân vùn vụt, nên chị đã đưa con đi khám và kết quả là con gái chị bị dậy thì sớm. Cháu bé không phát triển chiều cao, béo phì do lười vận động.

Cầm kết quả kiểm tra sức khỏe của con gái trên tay, người mẹ trẻ chết lặng.

Nhìn con gái, lòng người mẹ lại đau như cắt, chị Dung tự trách mình vì mải lo kinh tế mà quên mất rằng sự phát triển của con mới là điều quan trọng hơn. “Tôi bắt đầu đưa con đi khám lại vào ngày 12/5, sau khi thăm khám bác sĩ nói rằng con đã dậy thì, đưa con đến bây giờ là muộn rồi vì nếu muốn can thiệp hiệu quả thì phải bắt đầu từ năm cháu 8 tuổi”.

Chị Dung phân tích: “Ở lớp con có quá nửa các bạn nữ đã hoàn thành quá trình dậy thì, nhưng đa phần khi bắt đầu có kinh nguyệt bạn thấp còi nhất cũng cao 1m40. Bản thân tôi từng dậy thì ở thời điểm hè lớp 7 lên lớp 8, khi đó tôi cũng đã cao được 1m50. Chiều cao của tôi bị “khóa” lại ở ngưỡng 1m55 sau khi có kinh nguyệt 2 năm, từ đó trở đi chiều cao không tăng nữa.

Vì vậy, đối chiếu bản thân và nhìn vào con với sự phát triển không bình thường này chỉ 2 - 3 tháng nữa T.L. sẽ có kinh nguyệt, sau khi có kinh nguyệt con cao kịch kim được 1m46, như vậy là quá thấp lùn. Việc thấp lùn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tâm lý và cả tương lai của con sau này. Tôi không đành lòng nhìn con như vậy”.

Chị Dung và con đã trải qua hành trình khám, xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. “Con gái liên tục bị lấy máu 5 lần để làm xét nghiệm, cách 1 giờ đồng hồ lại lấy máu 1 lần. Đặc biệt, lần lấy máu để kiểm tra nồng độ hormone tăng trưởng (GH) động, con gái phải chạy 6 vòng cầu thang từ tầng 1 lên tầng 3 tương đương với chạy thang bộ lên tầng 18.

Con gào khóc không chịu chạy than mệt nhưng dù có phải gian khổ hơn nữa, nếu mang lại kết quả điều trị tốt cho con thì tôi cũng sẵn sàng. Tôi cũng chỉ mong con được phát triển bình thường, cao được 1m55 thôi cũng được”, chị Dung cho biết.

Con gái chị Dung kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.

Quá trình tìm lại chiều cao cho con

“Hàng ngày, tôi tự cho con ăn uống và tập luyện cật lực để cơ thể tự sản sinh ra GH, giúp GH hấp thụ canxi tự nhiên tối đa trong thời gian này. Tôi cho con tập cường độ cao về thể lực liên tục từ 1,5 đến 2 giờ mỗi ngày. Hoặc, cho bơi thì ít nhất 10 vòng liên tục mới có tác dụng.

Tôi đổi các bài tập luyện như: Chạy bộ, tập bật cao các bài tập liên hoàn liên tục đến mức con phải thở dốc, phải gắng sức và thậm chí sẽ không chịu được rồi than khó, than mệt, khóc lúc giận dỗi vì trẻ bây giờ lười vận động chỉ thích ngồi một chỗ chơi điện thoại. Còn về ăn uống sẽ phải ăn nhiều thịt cá, trứng, rau xanh, uống ít nhất 1 lít sữa tươi mỗi ngày”, chị Dung chia sẻ về phương pháp để con tập luyện.

Theo lời của chị Dung, các ông bố, bà mẹ phải kiên trì vì nếu không chính phụ huynh sẽ nản trước con trẻ thì việc điều trị cũng không thể cải thiện. “Lỗi là tại chúng ta ít cho con vận động, nuôi con bằng điện thoại, máy tính, Ipad, hơi chút là sợ con nóng, sợ nắng làm con mệt... đã khiến trẻ không phát triển chiều cao, dậy thì sớm”, chị Dung tự trách mình.

Dù khó khăn là vậy, nhưng người mẹ trẻ này cho hay chị sẽ không bỏ cuộc để cùng con chiến đấu, đem lại vóc dáng chiều cao như các bạn đồng lứa tuổi của con.

Cần giáo dục giới tính cho trẻ từ tiểu học

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai - cho hay: “Nếu so sánh thì tuổi dậy thì trung bình của trẻ bây giờ so với trước kia bị giảm xuống (trước kia bé gái 13 tuổi, bé trai 16 tuổi dậy thì, còn hiện nay là 10 tuổi). Nguyên nhân là do cơ thể của trẻ phát triển nhanh hơn ngày xưa, được nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Thêm nữa, môi trường văn hóa, xã hội thay đổi theo hướng cởi mở, môi trường Internet phát triển... Như vậy, dẫn đến tâm sinh lý của trẻ phát triển theo.

Tôi khẳng định không có một loại sữa nào uống vào khiến trẻ dậy thì sớm nên các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng về điều này. Theo tôi, cha mẹ cần giáo dục cho con, tâm sự, lắng nghe chia sẻ của con, quan sát sự thay đổi cơ thể của con. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại, Ipad... phải được hạn chế, nhà trường nên có các tiết học giới tính ngay từ bậc tiểu học chứ không phải chờ đến bậc THCS, THPT mới dạy”.

THANH LAM - PHƯƠNG DUNG

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số thứ Bảy (24)

Tin nổi bật