Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sửng sốt với những chiêu trò tinh vi của “trùm tái chế” dầu nhớt

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thoạt nhìn, dầu tái chế giống như dầu mới. Người có "công trình tái chế" này, hoạt động khá tinh vi, nhà một nơi, gom dầu một nơi và tái chế dầu nhớt lại ở một địa điểm khác, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

(ĐSPL) - Thoạt nhìn, dầu tái chế giống như dầu mới. Người có "công trình tái chế" này, hoạt động khá tinh vi, nhà một nơi, gom dầu một nơi và tái chế dầu nhớt lại ở một địa điểm khác, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Hàng ngày, hàng trăm lít dầu nhớt thải được những người đi xe máy thu gom về "đổ can" cho các đầu nậu tại xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Khắp đường làng, ngõ xóm, tới đâu cũng bắt gặp những phuy nhớt được thu gom đợi xoay vòng hoặc "phù phép" thành dầu nhớt nhái một cách tinh vi.

Theo những đầu nậu chuyên thu gom để xoay vòng dầu nhớt này, "việc ai nấy làm, không ai quan tâm đến công an, thị trường...", vì từ trước tới nay "chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được...".

Những dụng cụ đun “tái chế” dầu nhớt hết sức thô sơ.

Nghe "trùm tái chế” dầu nhớt bật mí “bí quyết”

Chúng tôi tìm về xã An Khánh, nơi được coi là “vựa” gom dầu nhớt thải lớn nhất khu vực miền Bắc. Tới đầu xã, nhan nhản hàng loạt biển hiệu thu gom dầu nhớt treo ở gần các quán nước, đặt ngay lề đường. Họ thản nhiên thu mua, bán mà không bị lực lượng chức năng nào kiểm tra. Trong vai những người có nhu cầu mua nhớt thải, nhớt tái chế, nhớt nhái, chúng tôi tiếp cận với chủ cửa hàng nước, kiêm mua, bán dầu nhớt. Xung quanh quán nước có hàng chục thùng phuy, can đựng dầu sẵn sàng nhận và bán hàng.

Bà chủ B. cho biết, lượng dầu năm nay khan hiếm hơn năm trước nên gom được ít hơn. Trước đây, bà còn đi bán buôn nhưng năm nay thì "cung không đủ cầu". Giá mỗi can dầu nhớt thải, bà B. mua lại là 11.000 -12.000 đồng nhưng bán ra gấp đôi cùng loại can.

Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, điểm thu mua dầu này chỉ thu gom loại dầu nhớt mới do người từ công trình, nhà máy "tuồn ra", sau đó bán lại cho bất kỳ ai có nhu cầu. "Chủ yếu là các công ty TNHH mua lại vì hàng này không chịu thuế", bà B. nói.

Quá trình trò chuyện, bà B. còn bật mí rằng: “Rất nhiều khách chạy "đổ can” (tức thu mua lại - PV) dọc đường nhưng lượng dầu thu được không nhiều”. Khi được hỏi về nguồn dầu, bà B. cho biết: "Ngày xưa, các công trình xây dựng ở đây nhiều, tài xế ô tô chở vật liệu xây dựng, máy xúc, máy ủi, máy lu đi "đổ cây" về, ăn bớt lượng dầu nhớt rồi mang đi bán nhiều. Mình cứ khéo nói là họ bán cho giá rẻ, rồi bán lại, lãi gấp đôi, gấp ba là chuyện thường".

Chúng tôi nhìn thấy một số người đang đun những thùng phuy to, hỏi ra mới biết, đó là cơ sở tái chế dầu nhớt, thành dầu nhớt nhái. Về việc này, bà B. giải thích: "Nhiều hộ, ngoài thu mua ra còn có công trình xử lý hóa chất đóng ở địa bàn khác. Những người làm công việc tái chế dầu sẽ đun dầu bằng công nghệ thủ công cộng với một số hóa chất, sau đó cho ra loại dầu tái chế (hay còn gọi là dầu tái sinh, dầu cắt).

Thoạt nhìn, dầu tái chế giống như dầu mới. Người có "công trình tái chế" này, hoạt động khá tinh vi, nhà một nơi, gom dầu một nơi và tái chế dầu nhớt lại ở một địa điểm khác, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng". Bà B. nhận định: "Loại đấy, công an kinh tế "sờ" vào thì “chết”. Họ pha chế bằng axít và nhựa thông. Với thêm hai loại hoá chất này, dầu đã “đẹp” (về màu – PV) và người sử dụng khó phát hiện ra là dầu giả, nhái rồi".

Theo lời giới thiệu của bà B., chúng tôi tiếp cận thêm với một đầu nậu tên Tô, nổi tiếng, chuyên thu mua dầu thải và tái chế dầu nhớt trong vùng. Khi chúng tôi vừa hỏi để mua dầu nhớt, ngay lập tức người đàn ông này hỏi lại: "Các cô ở đâu? Mua để làm gì? Hay là nhà báo?!".

Sau khi chúng tôi trình bày là mua để bán ở đại lý, người đàn ông này hạ giọng và giới thiệu những mặt hàng mà ông ta cung cấp. Ông Tô cho biết: "Nhớt nhiều lắm, chúng tôi có cả bán và mua. Các cô cần bao nhiêu cũng có. Dầu thải là loại lấy từ trong máy móc, xe cộ ra, giá 2 triệu/phuy/200l. Dầu cho vào nồi đun lại là dầu tái. Nếu các cô muốn xoay vòng thì loại dầu tái chế vẫn còn xấu lắm, phải pha trộn hoặc qua công đoạn xử lý để trong như nước chè thì mới sử dụng được, giá dao động từ 3-5 triệu đồng/phuy tùy chất lượng. Chúng tôi thường “bỏ mối” lại cho những ai có nhu cầu dùng để bôi trơn động cơ, chạy động cơ, trong các công trình cầu đường hoặc pha lại đóng chai thành sản phẩm dầu nhớt dành cho xe máy. Nếu các cô muốn đóng bình thì tôi giới thiệu chỗ cung cấp bình cho".

Ông Tô nói thêm: "Nếu cô tìm đến những điểm thu mua có biển quảng cáo mới, thì họ chỉ bán dầu mới thôi. Chỉ những nhà nào có biển xấu, cũ thì mới bán dầu thải, dầu tái chế. Sợ bị phạt vì gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi phải đun trốn, chủ yếu là ở trong rừng".

Thủ thuật kiếm bộn tiền từ dầu phế thải

Ông Toàn là một đầu nậu có nhiều năm kinh nghiệm trong việc mua bán, tái chế dầu trong vùng. Theo ông Toàn, giá dầu nhớt bán ra tùy thuộc vào chất lượng dầu chế.

Ông này nói: “Có hai loại chính, dầu tái sinh và "xuyên chai". Loại nhớt tái sinh là loại chỉ tinh chế qua bể lọc bỏ cặn bẩn, có màu giống như nước coca. Với loại hàng này, chỉ cần cho mô tơ vào khoắng sẽ cho ra sản phẩm nhìn "thật", chất dầu mượt, độ nhớt cao... với giá trên 3,5 triệu đồng/phuy”. Ông Toàn chỉ dẫn, chỉ cần pha dầu này với hàng thật với tỉ lệ 50-50 là cho ra sản phẩm tốt đến mức người sử dụng khó có thể phân biệt được thật- giả. Loại cao cấp hơn thường gọi là nhớt "xuyên chai" (trong vắt, có thể nhìn xuyên từ bên này sang bên kia- PV) có màu vàng trong như nước chè có giá 4-5 triệu đồng/phuy/200l.

Trong quá trình đun tái chế, những "chuyên gia" này dùng axít và nhựa thông, cộng với một số chất phụ gia khác để "biến" nhớt thải thành nhớt "xuyên chai". Dưới bàn tay của các “chuyên gia” nhớt tái chế này rất đẹp, màu giống y như màu của dầu nhớt thật, chẳng người tiêu dùng nào, thậm chí cả thợ sửa xe cũng bị “qua mặt”.

Ông Toàn khẳng định với chúng tôi rằng, 97\% khách hàng bị "mù dầu", không ai phát hiện ra loại "xuyên chai" là nhớt giả. Những người tái chế, mua bán dầu thường hoạt động độc lập, mỗi người giữ mối hàng của mình để "làm ăn bền lâu". Khách hàng chỉ cần thông báo trước, thì muốn mua bao nhiêu cũng được đáp ứng. Ông Toàn còn tiết lộ thêm, ngoài việc mua bán dầu tại đây, nếu có yêu cầu, ông sẽ cho người về tận nơi để đun tái chế dầu cho khách hàng với giá 20.000đồng/200l dầu.

Sau khi trao đổi, thỏa thuận về việc mua, bán dầu tái chế, ông Toàn đưa cho chúng tôi mẫu dầu "xuyên chai" để "kiểm tra chất lượng", lượng giá. Nhưng người đàn ông này đã giao cho chúng tôi mẫu dầu "đểu", không phải loại "xuyên chai" đã qua công đoạn tái chế tinh vi như ông quảng cáo.

Sau khi đem mẫu “xuyên chai” để kiểm tra chất lượng, chúng tôi được các chuyên gia dầu nhớt thực thụ thông báo, mẫu dầu ông Toàn đưa, chỉ dùng trong việc bôi trơn động cơ, các công trình xây dựng... chứ không thể dùng để chạy máy động cơ ô tô, xe máy được.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những "trùm tái chế" đã di chuyển sang địa bàn khác để đun, tái chế dầu. Một số hộ vẫn đun lén tại địa bàn, nếu có đơn đặt hàng của người quen. Dường như những hộ gia đình này luôn cảnh giác với sự có mặt của người lạ. Khi chúng tôi hỏi mua dầu tái chế, hộ gia đình ông N. cho người ra theo dõi, có ý "đuổi" chúng tôi đi và hỏi: "Nhà báo phải không?”.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Theo "trùm tái chế" Tô, trong làng có rất nhiều người đun tái chế, mua bán dầu. Nhưng việc ai nấy làm, không ai quan tâm đến công an, thị trường... Cũng có lần, công an kiểm tra nhưng may là hỏi "nhầm người". Bán những chai dầu nhỏ bằng chai nước ngọt thì không việc gì, chứ thùng phuy đầy làng đấy, nếu họ không  "bỏ qua" thì mình cũng "chết"...

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: "Hầu hết người dân trong địa bàn xã không có công ăn việc làm nên họ thu mua dầu nhớt bán lại thu lợi chênh lệch. Chúng tôi cũng không biết họ thu mua lại của ai, chỉ biết hàng ngày những người đi xe máy gom dầu từ các công ty, xí nghiệp đến đây bán lại. Việc thu mua thì chúng tôi không quản lý, chưa tìm hiểu sâu".

Vị Phó Chủ tịch xã khẳng định: “Để có thể lưu thông trên đường thu mua dầu từ nhà máy về, những người dân này còn được cảnh sát môi trường cấp giấy phép(?!). Nhưng tất cả những người thu mua dầu đều có giấy phép này hay không thì chính quyền xã không biết và cũng không nắm được cụ thể ai có giấy phép, ai không”.

Nói về việc đun dầu nhớt tái chế, ông Hướng cho rằng: “Trước đây ở Yên Lũng có một số hộ đun, sau khi cảnh sát môi trường kiểm tra, nhắc nhở, người dân biết việc đó không đúng quy trình, việc đun dầu không diễn ra nữa mà thay bằng việc thu mua, bán lại. Đến bây giờ, chúng tôi cũng không quản lý, tìm hiểu sâu về việc thu mua này”.

Khi được hỏi về việc đun dầu nhớt trái phép không chỉ diễn ra tại địa bàn mà còn ở nơi khác cho "khuất mắt", lãnh đạo xã trả lời chính quyền cũng không nắm được. Tuy nhiên, ông Hướng nhấn mạnh: "Đồng chí Bí thư và trưởng thôn Yên Lũng khẳng định với tôi rằng, tại địa phương không có ai đun tái chế dầu nhớt. Nhưng, có thể là phát sinh mà chúng tôi chưa biết, chúng tôi sẽ theo dõi và kiểm tra lại".

Không bán dầu tái chế vì nghi người mua là nhà báo

Khi liên hệ lại để mua dầu với số lượng lớn, ngay lập tức chúng tôi nhận được phản ứng tiêu cực từ các đầu nậu này. Ông Tô nói: "Các cô làm ăn không có giấy tờ, chúng tôi biết ai? Nếu các cô thật sự là người mua dầu thì chúng tôi sẽ về làm việc trực tiếp tại đại lý của các cô. Hoặc ít nhất phải có cardvisit thì chúng tôi mới tin các cô được, lúc đó muốn mua bao nhiêu cũng có. Còn bây giờ nếu có dầu tái chế, chúng tôi cũng nói là không. Nhỡ các cô là nhà báo thì sao?...".

H. Lương - H.Minh

Tin nổi bật