Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sức mạnh của “Tuyên ngôn độc lập” vang lên nơi chiến trường khốc liệt

  • Đặng Thủy
(DS&PL) -

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vang như thúc giục ý chí chiến đấu của mỗi người lính, là ký ức không thể quên với thương binh Trần Mạnh Tuấn.

Hồi ức không thể nào quên

Chiến tranh đã lùi xa hơn gần 50 năm và để có được nền độc lập, tự do như hôm nay đã có biết bao chiến sĩ phải nằm xuống, phải bỏ lại phần máu thịt của mình nơi chiến trường. Nêu cao tinh thần của người bộ đội trong thời bình, nhiều thương binh vẫn tiếp tục đóng góp cho cho quê, đất nước, phát huy tinh thần lời dạy của Bác Hồ “thương binh, tàn nhưng không phế”.

Cựu chiến binh Trần Mạnh Tuấn (trú phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) là điển hình như vậy, thậm chí ông còn làm những điều phi thường.

Cuối năm 1971, chiến trường Quảng Trị bắt đầu diễn ra khốc liệt. Như bao thế hệ thanh niên yêu nước, chàng trai trẻ Trần Mạnh Tuấn khi đó còn chưa tốt nghiệp phổ thông đã quyết “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi Tổ quốc. Thế nhưng anh đành “lực bất tòng tâm” vì sức khỏe không đảm bảo, cân nặng cũng thiếu khi chỉ được 43kg. Không được nhập ngũ, anh buồn bã trở về và bước vào hành trình “tăng cân” để thực hiện ước mơ cầm súng ra chiến trường. 

Thương binh Trần Mạnh Tuấn kể lại những ký ức thời “đạn bom”.

Nhiều lần sau đó, cán bộ chỉ huy đã bị thuyết phục trước ý chí của chàng thanh niên và anh đã được nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, chàng trai trẻ Trần Mạnh Tuấn được cử vào chiến trường Gio Linh (tỉnh Quảng Trị).

Giai đoạn này đã kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) nhưng đây vẫn là mặt trận khốc liệt vì Mỹ vẫn giữ lại các hạm đội hải quân mạnh, ngày đêm nã đạn pháo vào.

“Bom đạn dù có ác liệt thì đời lính cũng có những phút giây lãng mạn. Khi ấy, mọi thứ đều thiếu thốn, anh em chỉ có cây đàn ghi-ta, một người đàn thì tất cả chiến sĩ cùng hát vang những bài ca Cách mạng. Thời chiến là thế, tiếng đàn vừa ngân tiếng bom lại nổ. Đàn có thể lỡ nhịp nhưng Cách mạng nhất định thắng lợi, non sông nhất định thống nhất”, người cựu chiến binh kể.

Trong ký ức, người cựu chiến binh nhớ nhất là kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập được phát lại qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều này đã thôi thúc ý chí chiến đấu sục sôi trong mỗi người lính.

Nói đến đây, đôi mắt hiền của ông như sáng ngời, giọng nói hùng hồn hơn, ông kể: “Khi Bác Hồ đọc đến đoạn “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đã tạo nên khí thế hùng hồn, mọi người ai cũng cảm thấy như mình đang ở Quảng trường Ba Đình năm nào. “Lời Bác thôi thúc mỗi người lính sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến thắng mọi kẻ thù”, người lính già kể lại.

Sau hơn một năm chiến đấu, ông Tuấn bị trúng pháo kích gây tổn thương 2 đốt sống lưng và vùng đầu dẫn đến liệt 2 chân. Phải nằm ở bệnh viện không thể đi lại dù nhiều lúc đau chết đi sống lại, ông Tuấn lại nhận ra rằng, hy sinh trên chiến trường không đáng sợ, đáng sợ nhất là không thể cầm súng chiến đấu cùng đồng đội. 

Ông Tuấn được xác định thương binh hạng 1/4 đặc biệt (hạng thương binh nặng nhất). Sau nhiều năm điều trị, đôi chân không thể phục hồi nhưng ông có thể ngồi xe lăn và tự phục vụ những sinh hoạt thường ngày.

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, một lần nữa tinh thần chiến đấu lại sục sôi trong ông. “Khi đó, tôi và rất nhiều anh em thương binh xin được ra chiến trường, chân không đi được thì làm lính bắn tỉa. Kiểu gì chúng tôi vẫn diệt được địch”, ông Tuấn nhớ lại.

Thấy vậy, những cán bộ của Tổng cục Chính trị phải liên tục khuyên ngăn, thì những thương binh như ông Tuấn mới chịu nghe.

“Thương binh tàn nhưng không phế”

Dù là thương binh hạng nặng nhưng ông Tuấn không hề nản chí. Lúc nào trong ông cũng luôn ghi lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế” và ông bắt tay học nghề rồi mở tiệm bốc thuốc cứu người.

Không những thế, nhiều năm sau đó trên chiếc xe lăn, ông đã nỗ lực tập luyện và làm nên những điều phi thường mà người bình thường khó làm được.

Cụ thể, ông đã giành 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại giải tiền Paragames 2 và ParaGames 2 được tổ chức tại Việt Nam; Huy chương Vàng môn bắn súng tại Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc năm 1997 và tại Asean Para Games năm 2001.

Chưa dừng lại, ông tiếp tục tham gia Paralympic games năm 2004; đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn xe lăn ở Đại hội thể thao châu Á - Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật…

“Cuộc đời vẫn đẹp sao” ghi lại cảnh ông Tuấn bế cháu ngoại và người đồng đội Phạm Tiến Dũng.

Ông Tuấn chia sẻ, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn tới đâu, nhưng với tinh thần không bỏ cuộc, bất kỳ ai cũng đều có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất với bản thân và nhiều người.

Cứ mỗi dịp Quốc khánh hay ngày Giải phóng miền Nam (30/4) khắp cả nước lại trang hoàng cờ đỏ sao vàng, nhiều chương trình được tổ chức để kỷ niệm về những mốc son chói lọi của dân tộc. Khi ấy cảm xúc trong người thương binh lại dâng trào.

“Rất nhiều lần tôi rơi lệ vì niềm tự hào xen lẫn xót xa. Tự hào vì dân tộc ta đã tạo nên những trang sử hào hùng khiến cả thế giới phải kính nể và xót xa vì biết bao đồng đội đã ngã xuống”, cựu chiến binh Trần Mạnh Tuấn nói.

Chào người cựu chiến binh khi ra về, chúng tôi vô cùng xúc động trước lời nhắn nhủ của ông: “Thế hệ trẻ ngày nay được hưởng hòa bình, nhưng luôn phải nêu cao tinh thần “chiến đấu” đưa đất nước phát triển. Dù thời chiến hay thời bình, những người biết cống hiến vì Tổ quốc đều đáng trân trọng như nhau”.

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)

Tin nổi bật