Không nổi tiếng như Molniya với tên lửa Ural-E nhưng Osa II, với tên lửa Styx, có thể là lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Osa là lớp tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa của Hải quân Liên Xô, được bắt đầu nghiên cứu phát triển từ đầu những năm 1960 để thay thế cho loại tàu tên lửa kiểu cũ lớp Komar. Osa chính là loại tàu tên lửa có số lượng sản xuất nhiều nhất trên thế giới.
|
Tàu tên lửa OSA II VN: Sức mạnh bảo vệ biển đảo của "ong vò vẽ" |
Hải quân Liên Xô định danh chính thức cho loại tàu này là Đề án 205 “Sóng thần”. Osa - “Ong vò vẽ” trong tiếng Nga - là biệt danh của NATO dùng để miêu tả sự nhỏ bé nhưng cực kỳ nguy hiểm của loại tàu cao tốc mang tên lửa này.
Về thiết kế, tàu tên lửa lớp Osa là bước phát triển vượt bậc so với loại tàu Komar: Osa to gấp 4 lần, khung bằng nhôm, mang 4 tên lửa thay vì 2 như Komar và có khả năng phòng thủ lẫn đi biển tốt hơn hẳn tàu tiền nhiệm. Phiên bản Osa II nâng cấp là loại tàu được biên chế trong Hải quân Nhân dân Việt Nam, được vũ trang bằng tên lửa đối hạm P-15 Termit (SS-N-2 Styx) khá hiện đại tại thời điểm Osa mới ra đời.
|
Tàu tên lửa lớp Osa II của HQVN |
Vũ khí chính của tàu Osa II là 4 tên lửa đối hạm SS-N-2C Styx, tốc độ tối đa Mach 0,9, tầm bắn 85 km với đầu đạn xuyên thép có trọng lượng thuốc nổ lên tới 454 kg. Khả năng phòng thủ nằm ở hai ụ pháo tự động 2 nòng 30mm AK-230 tốc độ bắn 2.000 viên/phút, tầm bắn 2.500m, đặt trước và sau tàu, tiếp đó là bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp 9K32 Strela (SA-N-5).
|
Pháo AK-230, bệ phóng tên lửa phòng không và ống phóng tên lửa Styx khi nhìn từ sau tàu. |
Radar trên Osa II bao gồm radar dò tìm mặt nước MR-331 Square Tie dùng để tìm kiếm và chỉ định mục tiêu cho tên lửa SS-N-2C Styx còn MR-104 Drum Tilt là radar điều khiển hỏa lực cho pháo AK-230, Osa II cũng được tích hợp hệ thống nhận dạng địch - ta.
|
Tàu tên lửa Osa II phóng tên lửa Styx |
Để đảm bảo ưu thế về tốc độ, các tàu lớp Osa được trang bị 3 động cơ diesel M-504B công suất 5.000 mã lực cho phép tốc độ tối đa của tàu đạt tới 78 km/h, do có trọng lượng nhẹ nên tỷ suất giữa sức mạnh động cơ và khối lượng của tàu là rất cao. Mặc dù khả năng đi biển tốt hơn so với người tiền nhiệm Komar nhưng thực sự thì Osa vẫn chỉ thích hợp tác chiến tại các vùng nước nông ven bờ.
|
Tàu tên lửa Osa II Việt Nam luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. |
Hiện tại Hải quân Nhân dân Việt Nam biên chế 8 tàu tên lửa lớp Osa II. Mặc dù hỏa lực không thể so sánh với các tàu tên lửa hiện đại hơn như Tarantul, Molniya hay Gepard 3.9 nhưng nhờ số lượng nhiều hơn, khi được bố trí ở các địa điểm thích hợp, đội tàu Osa II với tên lửa Styx có vai trò rất quan trọng, làm lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế...