Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sức khỏe Tiến sỹ 76 tuổi bị cán bộ sở Ngoại vụ đánh đang ra sao?

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Theo người nhà Tiến sỹ K., Tiến sỹ bị huyết áp cao nhiều năm nay nên gặp sự việc bất ngờ như vậy đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

(ĐSPL) – Theo người nhà Tiến sỹ K., Tiến sỹ bị huyết áp cao nhiều năm nay nên gặp sự việc bất ngờ như vậy đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Liên quan vụ việc Tiến sỹ Nguyễn K. (76 tuổi) bị Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại, Sở Ngoại vụ Hà Nội Nguyễn Đức Hoàng hành hung hôm 5/11, người nhà gia đình nạn nhân cho biết, sức khỏe Tiến sỹ K. vẫn chưa được tốt.

Theo đó, trao đổi với chúng tôi chiều 10/11, anh N. – người nhà Tiến sỹ K. cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, những vết thương mềm trên mặt đã có dấu hiệu đỡ. Tuy nhiên, những vết thương nội tại thì gia đình không đoán biết được.

Tiến sỹ K. bị cán bộ Hoàng hành hung.

“Vết thương là một chuyện, tuy nhiên kể từ ngày xảy ra chuyện, bố tôi bị sốc và không ổn định tâm lý. Bố tôi là người hiền lành, cả cuộc đời chưa bao giờ gây hấn với ai, nay về già lại bị hành hung dã man khiến cả gia đình tôi lo lắng” – anh N. cho biết.

Theo anh N., hiện gia đình đang cố gắng động viên Tiến sỹ K. để ông ổn định tâm lý.

Cũng theo người nhà Tiến sỹ K., Tiến sỹ bị huyết áp cao nhiều năm nay nên gặp sự việc bất ngờ như vậy đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Anh N. chia sẻ: “Ngay cả sau khi nhận tin bố tôi bị đánh, gia đình chúng tôi cũng không hề muốn truy cứu sự việc. Tuy nhiên, vì việc này đã lên báo chí, chúng tôi chỉ yêu cầu cơ quan chức năng làm đúng chức năng và quyền hạn, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.”

Anh N. cũng lấy làm tiếc về trường hợp của người đã đánh tiến sỹ K., anh cho rằng có thể lúc đó do “anh Hoàng đã quá nóng giận”.

Chị M. - con gái Tiến sỹ K. cho biết: “Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường, không mong muốn việc không hay xảy đến. Bố tôi đã cao tuổi, phận làm con cái cũng cảm thấy buồn. Giờ xử lý thế nào thì gia đình hoàn toàn đi theo đúng trình tự pháp luật, ai sai phải chịu trách nhiệm”.

Kể lại sự việc hôm xảy ra vụ hành hung, chị M. cho hay, ngày 5/11, tiến sỹ K. đi bộ thể dục trên đường Trần Đại Nghĩa qua ngã ba Trần Đại Nghĩa và ngõ 30 Tạ Quang Bửu (khu tập thể ĐH Bách khoa Hà Nội) thì bị một cô gái đi xe máy trái chiều thúc ngã.

"Rất may là do đi trái chiều với tốc độ chậm nên cú va chạm không mạnh khiến bố tôi và cô gái chỉ bị xây xát nhẹ" - lời chị M. "Trong khi cả hai bên chưa kịp phản ứng gì thì một thanh niên đi ô tô phía sau nhảy xuống đấm túi bụi, trực diện vào mặt bố tôi một cách dã man, khiến ông phải nhập viện.” – chị M. cho biết.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ, ông Nguyễn Đức Hoàng là Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội. Từ tháng 9/2016, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định bỏ tên trung tâm này, trung tâm cũng không còn trực thuộc Sở Ngoại vụ mà sáp nhập vào Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch TP.Hà Nội. Tuy nhiên, về mặt nhân sự, ông Hoàng vẫn là cán bộ thuộc quản lý của Sở Ngoại vụ.

Báo Giao thông đưa tin, Thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, cơ quan công an đã triệu tập ông Nguyễn Đức Hoàng (SN 1977, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội) lên làm việc.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích (Bộ luật Hình Sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009) quy định:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Xuân Tùng

Tin nổi bật