Giờ đây, mỗi khi mạng xã hội dậy sóng với một scandal, có những người sẵn sàng thức trắng đêm hóng biến, bàn tán, tranh cãi, thậm chí bỏ tiền ra "mua" thông tin. Tưởng chừng đây là thói quen vô hại, nhưng các chuyên gia tâm lý cho rằng việc "ngồi lâu" trong các cuộc tranh luận không hồi kết đang bào mòn tinh thần, thể chất của không ít người.
Tại sao chúng ta "nghiện" hóng "drama"?
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, thạc sĩ Hoàng Quốc Lân - chuyên gia tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người bị thu hút bởi các vụ lùm xùm trên mạng xã hội. Có thể là xuất phát từ bản năng tò mò, nhu cầu giải trí.
Những câu chuyện có yếu tố kịch tính, gây tranh cãi thường dễ dàng kích thích trí tò mò, mang lại cảm giác hứng thú với mỗi người.
Con người vốn có xu hướng tìm kiếm những thông tin mới lạ, đặc biệt là những câu chuyện "giật tít" có nhiều tình tiết bất ngờ. Điều này tạo cảm giác hấp dẫn như đang theo dõi một bộ phim thực tế nào đó, hơn hết đây lại là một nhân vật nổi tiếng.
Ngoài ra tâm lý đám đông, áp lực xã hội cũng đóng vai trò lớn. Khi một sự kiện gây tranh cãi xuất hiện, nhiều người cùng bàn tán, chia sẻ, khiến người khác cảm thấy nếu không theo dõi thì sẽ bị "lạc lõng", giới trẻ còn dùng từ sợ bị "tối cổ" trong cuộc trò chuyện", bác sĩ Lân phân tích.
Áp lực công việc, học tập khiến nhiều người tìm đến drama như một phương thức giải tỏa cảm xúc.
Trong khi đó bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, cho rằng người Việt thích "hóng drama" do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, người Việt có truyền thống sống gắn kết, thích chia sẻ và bàn luận về đời tư người khác. Thứ hai là sự nhàm chán trong đời sống thực.
Áp lực công việc, học tập khiến nhiều người tìm đến drama như một phương thức giải tỏa cảm xúc. Những câu chuyện kịch tính, scandal "chuyện riêng tư" mang lại cảm giác mạnh, thỏa mãn trí tò mò.
"Hiểu được tâm lý này, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok ưu tiên hiển thị nội dung gây tranh cãi để tăng tương tác, tạo hiệu ứng "vòng xoáy drama" khiến người dùng khó thoát ra.
Cuối cùng là do thực trạng chúng ta đang quá thiếu những kênh giải trí lành mạnh. Ít các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng khiến giới trẻ dễ sa đà vào thế giới ảo", bác sĩ Hoàng nói.
Những hệ lụy cho sức khỏe vì hóng "drama tình ái"
Chia sẻ trên VnExpress, nhà tham vấn tâm lý Giang Kate (Nguyễn Hương Giang) cho biết, không chỉ đơn thuần là tin tức giải trí, những drama tình ái có thể ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin và cách chúng ta nhìn nhận các mối quan hệ, cụ thể:
Nhóm ủng hộ nhân vật bị phản bội
Tâm lý bên trong
Những người này có thể mang theo tổn thương từ quá khứ hoặc có nỗi sợ bị phản bội. Họ có xu hướng đồng nhất bản thân với người bị tổn thương trong drama, dẫn đến cảm giác phẫn nộ hoặc thương cảm mạnh mẽ.
Tác động tích cực
Có thể giúp người theo dõi drama nhận diện và xử lý tổn thương của bản thân. Thúc đẩy sự đồng cảm trong xã hội đối với những người bị phản bội và lên tiếng góp phần xây dựng nhận thức về tính trung thực, thủy chung trong mối quan hệ.
Tác động tiêu cực
Nếu người phản bội không bị sự trừng phạt, người theo dõi dễ bị mất niềm tin vào tình yêu, cảm thấy bi quan về các mối quan hệ và tính công bằng trong xã hội.
Nhóm đứng về phía người phản bội
Tâm lý bên trong
Những người này có thể từng trải qua tình huống mà họ hoặc người thân cận rơi vào vị trí người phản bội. Họ tìm cách lý giải hoặc hợp thức hóa hành vi này để giảm cảm giác tội lỗi hoặc bối rối.
Tác động tích cực
Giúp mở rộng góc nhìn về tình yêu. Nếu hai bên có thể thảo luận và lắng nghe những nguyên nhân gốc rễ sâu xa hơn mà chưa được nói ra thì sẽ giúp những người trong cuộc đối thoại, thấu hiểu và tìm ra giải pháp chung.
Tác động tiêu cực
Có thể dẫn đến việc hợp lý hóa hành vi phản bội, làm suy yếu các giá trị trung thực và cam kết trong các mối quan hệ cá nhân.
Những drama tình ái có thể ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin và cách chúng ta nhìn nhận các mối quan hệ.
Nhóm hoài nghi nhưng vẫn theo dõi
Tâm lý bên trong
Họ có thể đã từng bị vu oan hoặc chứng kiến người khác bị vu oan. Do đó mong muốn kiểm chứng thông tin, không muốn bị thao túng bởi những câu chuyện sai lệch từ mỗi bên.
Tác động tích cực
Duy trì tư duy phản biện khách quan, không bị thiên lệch bởi thông tin của một phía đưa ra.
Tác động tiêu cực
Dễ rơi vào vòng xoáy tìm kiếm bằng chứng, mất quá nhiều thời gian vào drama mà không thu được giá trị thực tế.
Nhóm theo dõi drama để giải trí
Tâm lý bên trong
Họ có thể cảm thấy cuộc sống hàng ngày quá đơn điệu và tìm kiếm sự kích thích từ drama. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào drama để giải trí có thể khiến họ mất kết nối với những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống.
Tác động tích cực
Trong ngắn hạn, có khoảng thời gian giải trí, đánh lạc hướng khỏi những căng thẳng với các vấn đề trong cuộc sống cá nhân. Drama giúp cảm thấy hưng phấn vì chất dopamine tiết ra trong não và cơ thể một cách tạm thời.
Tác động tiêu cực
Drama kích thích não tiết ra dopamine là một nguồn dopamine không lành mạnh, vì nó đến từ sự tiêu thụ drama thay vì những trải nghiệm thực tế có ý nghĩa. Nếu lạm dụng, có thể bị "nghiện drama", luôn tìm kiếm những tình huống giật gân để thỏa mãn cảm giác kích thích.
Khi tiếp xúc liên tục với drama phản bội, có thể bắt đầu hoài nghi về tình yêu, cảm thấy rằng tất cả mối quan hệ đều không đáng tin cậy. Dần dần, mất niềm tin vào sự chân thành và cảm thấy thế giới đầy rẫy sự dối trá.
Việc tiêu thụ drama quá mức có thể thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Người theo dõi có thể trở nên bi quan, khó tin tưởng người khác và mất động lực xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Từ đó khiến cho cơ thể thường vào trạng thái kích thích căng thẳng không lành mạnh, tăng adrenaline và cortisol.
Drama kích thích não tiết ra dopamine là một nguồn dopamine không lành mạnh.
Theo ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM cho biết việc thức khuya kéo dài, đặc biệt vì những lý do không cần thiết như hóng drama, có thể phá vỡ nhịp sinh học, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tùng – nơi tiết ra melatonin và cortisone, hai hormone quan trọng cho chuyển hóa và điều hòa cơ thể. Vì vậy, việc ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, đặc biệt trước 23 giờ, là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
Theo ông Hùng, chúng ta cần tỉnh táo trong chọn lọc thông tin và chỉ tập trung vào những vấn đề thực sự có ý nghĩa, như các vấn đề xã hội, kinh tế hoặc những điều giúp bản thân và cộng đồng phát triển. Những câu chuyện tiêu cực chỉ khiến ta kiệt sức, tiêu tốn thời gian và có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống.