Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sức hấp dẫn của cổ phiếu “trà đá

(DS&PL) -

VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016, thế nhưng một nghịch lý trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu “trà đá” lại thu hút nhiều nhà đầu tư.

VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016, thế nhưng một nghịch lý trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu “trà đá” lại thu hút nhiều nhà đầu tư.

Chớ vội mừng

Nhận định về thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2017, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thị trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho rằng, những chỉ số cao đột biến trên thị trường chứng khoán nửa đầu năm qua chưa hoàn toàn lạc quan. Tại hội thảo “VN-INDEX cao nhất 9 năm: Chứng khoán Việt Nam trước kỳ vọng mới” mới đây, ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những khởi sắc dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, kinh tế hội nhập sâu rộng.

Theo báo cáo của ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 3/7/2017, chỉ số VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016 – đây cũng là con số cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 100,33 điểm, tăng 25,2% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Trái ngược với động thái bán ròng trong nửa cuối năm 2016, 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.

Với vai trò là điều phối tọa đàm, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đưa ra hàng loạt câu hỏi cho các chuyên gia, những nhà quản lý trên TTCK về các vấn đề đang được nhà đầu tư và dư luận quan tâm gần đây.

Lý giải về nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam đạt được những kết quả tích cực như trên, TS. Thành cho rằng: “Năm nay có ba cái khác, ba cái mới. Thứ nhất là Chính phủ mới, thứ hai là sự hưng phấn, tươi sáng của thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế và thứ ba là kinh tế thế giới có nhiều lãnh đạo mới, chính sách mới”. Đồng tình với quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, giám đốc trường đào tạo nhân lực BIDV, cũng nhận định những động thái tích cực của Chính phủ mới về mặt thể chế, thông qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đã tạo đà tăng cho TTCK “bứt tốc” trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, đứng trên góc độ của một người làm ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lại nhận định: “Các con số mà chúng ta vừa nhắc đến, đó là một điều tuyệt vời. Nhưng đằng sau đó, đâu là các yếu tố giúp thị trường khởi sắc và có thực sự là như vậy không? Đúng là Chính phủ kiến tạo mới đưa ra nhiều ý tưởng nhưng GDP 6 tháng đầu năm mới khoảng 5,73%, từ nay đến cuối năm mỗi quý GDP phải tăng trưởng hơn 7% thì mới hoàn thành kế hoạch”.

Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra lời cảnh báo: “Thị trường chứng khoán mấy ngày hôm nay giảm điểm, cho thấy vẫn chưa ổn định, nếu khối ngoại rút ra thì thị trường sẽ có biến động mạnh”. Bài học từ Mỹ những năm 2006-2008 khi thị trường chứng khoán phát triển mạnh, mọi người đều hồ hởi đổ tiền vào đầu tư nhưng sau đó nền kinh tế bất ngờ rơi vào khủng hoảng khiến nhiều người thua lỗ. VN-INDEX tăng 30% năm 2016, tăng 17% trong nửa đầu năm 2017 nhưng GDP vẫn ở mức lình xình, chỉ số giá ở mức thấp nhưng liệu có phải do giá lợn, giá nông sản kéo xuống? “Như vậy, nền kinh tế chưa thực sự lạc quan, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và tỉnh táo trước khi đổ tiền vào đầu tư chứng khoán” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cổ phiếu “trà đá”

Chỉ số VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa được công nhận là thị trường mới nổi mà vẫn chỉ là thị trường cận biên. Trong khi đó, trên thị trường có những cổ phiếu “trà đá” trở thành hiện tượng và thu hút được nhiều nhà đầu tư. Lý giải nguyên nhân Việt Nam không vào thị trường mới nổi, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một trong những lý do là do rating (xếp hạng tín nhiệm) của Việt Nam ở mức rất rủi ro. Cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Moody’s, S&P và Fitch đều xếp hạng Việt Nam ở mức noninvestment grade và highly speculaty, tức ở mức không khuyến khích đầu tư. Thậm chí Việt Nam còn bị xếp hạng rất rủi ro.

Với sự tín nhiệm rất rủi ro như vậy, thị trường chứng khoán muốn leo ở mức cao hơn là rất khó. “Các nhà đầu tư truyền thống khó mà vào Việt Nam. Chúng ta nên có sự điều tra nguồn gốc của các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ đâu. Bao nhiêu phần trăm họ đến từ các thị trường truyền thống? Ai là những người đầu tư? Họ vào Việt Nam với mục đích gì? Họ vào thị trường để kiếm lợi nhuận rồi họ rút đi và khiến thị trường mất 400 triệu USD vào năm ngoái. Quay lại câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Nếu các doanh nghiệp cứ phụ thuộc vào vốn của ngân hàng thì 10 năm trước chúng ta đã học được bài học. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tới 40%, tăng trưởng tài sản tới 100%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng hiện nay cần phải rất cẩn thận”, ông Nguyễn Trí Hiếu phát biểu.

“Tôi lấy ví dụ là các cổ phiếu hồi phục theo ngành. Cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán trước đây cũng là cổ phiếu “trà đá”. Nhưng khi ngành vào chu kỳ thì mức tăng trưởng 200% đến 300% vẫn có thể có được. Chiều hướng của nhà đầu tư nước ngoài là đi tìm những doanh nghiệp có đủ thanh khoản và đủ quy mô vốn hóa. Đây là cách đầu tư đón đầu khi thị trường Việt Nam được nâng hạng. Việc nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian. Việt Nam vừa rồi chỉ lỡ một kỳ và tôi tin trong tương lai Việt Nam sẽ được nâng hạng. Những cổ phiếu có giá 200.000-300.000 đồng như Vinamilk trong tương lai sẽ có sự tăng trưởng. Do đó, đầu năm nay các nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh cổ phiếu này”, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán Artex cho biết.

Còn ông Lê Việt Hà - Giám đốc quản lý quỹ ABF cho rằng, “cổ phiếu “trà đá” về mặt quy mô là không phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi có những dự án lớn, nếu nhìn vào thì trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 9.000 tỷ đồng, có tác động khá lớn, nhưng nếu đem so sánh với các nhóm cổ phiếu thì lượng này còn rất ít, bởi chỉ riêng VNM khi bán hơn 4% đã thu được hơn 11 nghìn tỷ. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bằng 10% thị trường Thái Lan, song bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến, cùng với đó kinh tế Việt Nam cũng đang kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng đến cuối năm 2017, VNIndex dao động trong ngưỡng 800 điểm.

Tin nổi bật