Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự tích bãi ông Đụng và chuyện khó tin về cua xe tăng, rùa 5 chân

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Có lẽ, ít nơi nào có được sự đa dạng sinh học như ở Côn Đảo, vừa có biển, có núi lại có rừng.

(ĐSPL) - Có lẽ, ít nơi nào có được sự đa dạng sinh học như ở Côn Đảo, vừa có biển, có núi lại có rừng. Chính vì thế, nơi đây cũng phát hiện ra nhiều loại thú vô cùng độc đáo, mới mẻ, khiến không ít người phải tò mò.

Con bò biển trong Bảo tàng Côn Đảo.

Ma Thiên Lãnh và bãi ông Đụng

Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, nếu đi bằng xe về phía Tây, qua khu vườn Quốc gia Côn Đảo khoảng 3km tới một con đường nhỏ. Cây cối hai bên mọc um tùm, leo hết con dốc thì tới di tích cầu Ma Thiên Lãnh. Cầu này do người Pháp bắt các tù nhân lao động khổ sai, vác đá xây dựng trên núi cao để vượt sang phía bên kia núi Chúa. Đến tháng 8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, cầu này bị bỏ dở. Dù chưa làm xong, nhưng đã có tới 356 tù nhân bỏ mạng vì đói, vì rét và tai nạn. Chính vì sự chết chóc, hiểm trở nên họ mới đặt tên cầu là Ma Thiên Lãnh.

Từ di tích cầu Ma Thiên Lãnh, chúng tôi tiếp tục chạy xe băng qua Đất Thắm, bãi Bàng để làm một cuộc đi bộ xuống bãi ông Đụng, nơi nổi tiếng với câu hò: "Ai qua Đất Thắm, bãi Bàng/Hỏi thăm ông Đụng vú nàng lớn chưa". Trong câu này, người ta đã khéo chơi chữ. Bởi, "vú nàng" là muốn nói đến một loài ốc biển, một món ăn đặc sản của vùng này.

Về sự tích ông Đụng, theo tìm hiểu của chúng tôi cũng có một số dị bản. Nói đến sự tích này, ông Lê Xuân Ái, Giám đốc vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: Vào khoảng cuối thế kỷ 18, tại Gò Công (Tiền Giang ngày nay) có một cô gái rất giỏi võ, tên Hương (hay còn gọi là nàng Hai) và chàng công tử bột nổi tiếng phá gia chi tử tên là hai Đụng.

Hai người nên duyên vợ chồng do sự sắp đặt của ông bà Bá Hộ Sương, cha mẹ của chàng hai Đụng. Về làm vợ, nhờ có sức khỏe và võ nghệ cao cường, nên nàng đã "dạy chồng", chặn đứng những thói hư tật xấu của cậu hai Đụng. Sự xuất hiện của "sư tử Hà Đông" khiến hai Đụng cảm thấy mình bị lệ thuộc và bất lực. Trước cảnh đó, hai Đụng đâm ra tức tối và nghĩ cách hại vợ để rảnh tay tiếp tục con đường ăn chơi trụy lạc. Rồi một hôm chàng nghĩ kế trèo lên cây dừa chờ sẵn. Khi nàng Hai ra giặt đồ ở cầu ao thì hai Đụng thả mấy quả dừa và trúng đầu, khiến nàng Hai té xuống ao và chết.

Sau đó hai Đụng vớt nàng lên và giả bộ khóc thương sướt mướt, khiến ai cũng tưởng nàng Hai chết vì dừa trúng thật. Nhưng từ khi vợ qua đời, chàng như ngựa không cương, tiếp tục ăn chơi trụy lạc, cho đến khi sự nghiệp tiêu tan, trở thành người nghèo khó, khốn cùng và không ai giúp đỡ. Đến lúc này, sự ăn năn làm cho lương tâm cắn rứt, chàng đã đi tự thú về việc mưu sát vợ và lĩnh 10 năm tù ải, đày ra Côn Đảo.

Sau, vì quá hối hận về việc mình làm và luôn nhớ về hình bóng của nàng Hai, ông Đụng đã chọn một bãi biển ở phía Tây đảo Côn Lôn, hướng về Gò Công để sống. Một thời gian sau, ông chết tại đó nên tên gọi bãi ông Đụng có từ đây.

Bãi biển ông Đụng còn hoang sơ và lắm đá. Anh Ngô Trí Thủy, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm ở đây cho biết, tại bãi này, nước triều dâng thì có thể lên sát mé bờ nhà dân. Vào những ngày 15 hàng tháng, nước triều rút thì có thể lội bộ ra tận nơi, nhìn thấy các dãy san hô lấp ló trên mặt nước, trông rất đẹp. Trong lúc nói chuyện với anh Thủy, chúng tôi nhìn thấy một con rùa (hay còn gọi vích) khá to, đang nằm im lìm trong một bể nước. Theo quan sát của chúng tôi, đây là một con rùa đặc biệt, vì nó chỉ có một mắt và năm chân. Nhìn con rùa này rất đẹp, có nhiều họa tiết, đặc biệt là ở mai và năm chân. Anh Thủy cho biết, con rùa đã được 2 tuổi.

Video tham khảo: 

Cận cảnh cụ Rùa nổi lên và muốn lên bờ

Truy lùng cua xe tăng và bò biển

Khi chúng tôi hỏi, làm sao mà có thể bắt được con vật này, anh Thủy cho biết, rùa ở đây không ai đi bắt cả. Rùa lên cạn, anh em kiểm lâm sẽ theo dõi, quan sát khi chúng đẻ trứng. Cứ đến mùa đẻ trứng (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm), thì chúng lội lên bờ đẻ. Lúc đó, anh em chiến sỹ là những người "đỡ đẻ" cho rùa, rồi lấy trứng về ấp tại khu vực quy định. Trong một lần rùa nở cách đây hai năm, thì phát hiện có một con rùa đặc biệt.

Anh Thủy bên cạnh con rùa 5 chân, 1 mắt.

Đó là chú rùa chỉ có một mắt nhưng lại có tới năm cái chân. Thấy lạ, anh em để lại nuôi, đồng thời cho du khách đến du lịch chiêm ngưỡng. Theo anh Thủy, con rùa này bị đột biến gien nên mới có những điều dị biệt như vậy. Nhưng có người lại nói, rùa bị quái thai nên mới sinh ra những điều kỳ lạ như thế. Khi được hỏi, anh Thủy cho biết, từ xưa tới giờ, ở vườn Quốc gia này chưa có con nào như vậy cả. Hiện tại Trạm kiểm lâm bãi ông Đụng cũng đang ấp 65 trứng rùa và sắp nở. Khi rùa nở và cứng cáp, lực lượng kiểm lâm sẽ thả về biển. Tuy nhiên, số rùa sống sót rất ít, tỷ lệ chỉ 1/1.000.

Ngoài chú rùa độc đáo này, đến Côn Đảo, mọi người đều háo hức đi tìm xem "cua xe tăng", thuộc họ cua cạn - Geocarcinidae. ở Việt Nam, loài cua này chỉ có duy nhất ở Côn Đảo. Cua xe tăng là loài cua cạn to nhất ở Việt Nam và bán đảo Đông Dương. Chiều dài mai có thể hơn 10cm, có màu hạt dẻ (nâu sẫm). Cua xe tăng là loài ăn tạp, chân bơi sau cùng biến thành chân để bò, các gai trên mai cũng đã tiêu biến hoàn toàn, thích nghi với đời sống trong hang.

Cua xe tăng có thể đào hang sâu đến 2m với đường kính 8 - 12cm. Mặc dù, sống trong hang ở trên cạn vùng chân triều hoặc những bãi cát, sình pha đá trên mực nước triều nhưng cua xe tăng phải di cư ra biển để đẻ trứng vì đó là nơi có nhiệt độ nước ổn định và giàu thức ăn, thích hợp cho ấu trùng phát triển. Sau khi rong ruổi cả ngày trong rừng, chúng tôi cũng tìm được một vài con cua xe tăng. Chúng rất nhanh, chỉ cần thấy bóng người là chuồn ngay vào các đám lá cây rậm rạp. Tại hòn Bảy Cạnh được xem là nơi có loài cua này nhiều nhất.

TS.Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Nước ngập mặn cho biết, hiện Côn Đảo cũng là nơi có loại bò biển (Dugong). Đây là một trong những loại quý hiếm trên thế giới (còn khoảng 100 ngàn cá thể). Trao đổi với PV, nhiều người sống nơi đây khẳng định, họ đã từng thấy bò biển. Anh Nguyễn Văn Trung, một người dân trên đảo cho biết, tôi và một số người nữa từng thấy bò biển ở bãi Đá Trắng. Khi đó, chúng nổi lên với số lượng khoảng 5, 6 con. Tại Bảo tàng Côn Đảo hiện đang trưng bày một con bò biển thật hình dáng trông rất ấn tượng. Ngoài ra, TS.Nguyễn Chí Thành cho biết, ở Côn Đảo, hệ động vật trên cạn có 26 loài thú, 85 loài chim, 46 loài bò sát, ếch nhái được ghi nhận.

Tính đa dạng sinh học cao

Cũng theo TS.Thành, hệ sinh thái ngập nước và biển có tính đa dạng sinh học rất cao, với 46 loài thực vật ngập mặn, trong đó có 28 loài ngập mặn thật sự, chiếm 76\% cả nước, 370 loài san hô, hơn 1.300 loài động thực vật biển, trong đó có 44 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Tin nổi bật