Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật về tác dụng loại "cây chữa khỏi ung thư" gan nhiều người lầm tin theo

  • Nguyễn Linh
(DS&PL) -

Ung thư gan là loại ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Xoay quanh câu chuyện về loại cây có thể chữa khỏi ung thư như lời đồn liệu có chính xác?

“Cây chữa khỏi ung thư gan” có đúng như lời đồn?

Làm rõ tin đồn "cây cà gai leo chữa khỏi ung thư". Ảnh minh họa

Thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, tại một chương trình do Bệnh viện K tổ chức, các bác sĩ cho biết ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế).

Ung thư gan cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư. 

Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, các "thủ phạm" gây ra ung thư gan là viêm gan B mạn tính và các tác nhân khác liên quan tới lối sống, ăn uống. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Ngọc đã gặp rất nhiều trường hợp được xác định mắc viêm gan virus nhưng bỏ thuốc điều trị để uống các loại nước lá. Điều này dẫn tới xơ gan và thậm chí là ung thư gan.

Thời gian gần đây, thông tin "cây cà gai leo có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư gan" xuất hiện trở lại. Nhiều người đã dùng nước cà gai leo uống còn khẳng định "sạch được virus viêm gan và thậm chí là loại bỏ khối u gan".

Cây cà gai leo không có tác dụng chữa khỏi viêm gan virus và loại bỏ được khối u trong gan khi người bệnh đã mắc ung thư. Ảnh minh họa

Trao đổi với PGS Trịnh Thị Ngọc về vấn đề trên, vị chuyên gia cho hay: Cây cà gai leo hiện nay đã được nghiên cứu và được chế biến làm thực phẩm hỗ trợ thải độc cho gan. Tuy nhiên, cây cà gai leo không có tác dụng chữa khỏi viêm gan virus và loại bỏ được khối u trong gan khi người bệnh đã mắc ung thư.

Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho hay chỉ nên dùng cây cà gai leo với mục đích thải độc tố cho gan.

Còn đối với các trường hợp bị viêm gan virus, ung thư gan thì cần phải tuân theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong trường hợp bệnh nhân muốn dùng thêm bất cứ sản phẩm gì, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Thông tin từ website Bệnh viện đa khoa Medlatec, cây cà gai leo được người Việt biết đến với các tên gọi khác như: cà lù, cà gai dây, cà quánh,...

Đây là cây thân leo nhỡ họ cà, chiều dài trung bình khoảng 60 - 100cm, lá màu xanh, thuôn dài và mọc so le. Phần lá bên dưới gốc cây hình hơi tròn hoặc giống lưỡi rìu, mặt dưới của lá có nhiều lông trắng còn mặt trên có nhiều gai.

Trong Đông y, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, đau lưng, nhức xương, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu, trị rắn độc cắn, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ.

Cà gai leo được xem là cây thuốc Nam chữa nhiều loại bệnh, hỗ trợ thải độc cho gan, ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng của gan.

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, các hoạt chất trong cà gai leo, đặc biệt là glycoalkaloid, có tác dụng làm chậm sự tiến triển của xơ gan và giảm mức độ xơ gan giai đoạn sớm.

Dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo có tác dụng chống oxy hóa rất tốt. Nó còn chống viêm, làm giảm tổn thương do oxy hóa gây ra ở gan, bảo vệ gan.

"Cà gai leo là một trong những dược liệu cần được nghiên cứu chuyên sâu và bài bản với những công dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan, ngăn ngừa xơ gan tiến triển, hạ men gan, giải độc và bảo vệ gan", ông Sáng nói.

Nói về tin đồn "cà gai leo chữa khỏi ung thư gan", ông Sáng cho biết hiện các nghiên cứu chỉ mới dừng ở trong phòng thí nghiệm, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Hiện vẫn chưa đủ dữ liệu khoa học để nói cây cà gai leo chữa khỏi được bệnh ung thư. Người dân nên dùng cây cà gai leo như là thực phẩm chức năng bảo vệ tế bào gan.

Những lưu ý khi sử dụng cà gai leo

Những trường hợp sau không nên uống cà gai leo:

- Trẻ dưới 5 tuổi.

- Thai phụ.

- Người bị huyết áp thấp.

- Người mắc bệnh về thận.

- Người đang điều trị bệnh lý do phác đồ bác sĩ đưa ra.

Cách dùng cà gai leo đơn giản nhất là mua cây tươi về rửa sạch rồi phơi khô và bảo quản ở nơi khô thoáng sau đó đem sắc uống. Liều lượng sử dụng cà gai leo phù hợp với từng bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, tuổi tác, bệnh lý,... nhưng không nên quá 50 - 60g dược liệu khô/ngày.

Nguyễn Linh (T/h)

Tin nổi bật